Vẫn biết, việc tăng cường kiểm soát và xử lý vi phạm là cần thiết, nhưng để thực sự cải thiện tình hình giao thông, ý thức tự giác của mỗi cá nhân tham gia giao thông còn quan trọng hơn. Vì vậy, để giảm thiểu tai nạn giao thông, mỗi người cần nâng cao nhận thức của bản thân về văn hóa giao thông, đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày.
Những ngày gần đây, cảnh sát giao thông cả nước tổ chức ra quân nhằm chấn chỉnh, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp cuối năm. Thực tế, dịp cuối năm cũng là thời điểm gia tăng tình trạng vi phạm khi lưu lượng lớn phương tiện tham gia giao thông. Điều này cho thấy một bộ phận không nhỏ người dân thiếu ý thức và văn hóa khi tham gia giao thông. Thể hiện rõ nhất ngay cả trong việc dừng đỗ đèn xanh, đèn đỏ tại các ngã tư. Thực tế tình trạng vượt đèn đỏ vẫn còn phổ biến tại nhiều nút giao. Hành vi trên thuộc về lỗi ý thức người tham gia giao thông, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm, thời điểm mà lưu lượng tham gia giao thông tăng cao, việc vi phạm lại diễn biến phức tạp. Đây không chỉ là vấn đề mang tính cá nhân mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cộng đồng và xã hội. Nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra do việc vi phạm các quy định cơ bản như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ hay đi sai làn đường... Những hành động này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn cho những người tham gia giao thông khác. Nhiều thanh niên và học sinh thường tham gia giao thông mà thiếu ý thức, thậm chí xem nhẹ việc tuân thủ luật lệ. Họ có thể lạng lách, đánh võng, thậm chí là phóng nhanh vượt ẩu mà không ý thức được hậu quả của hành động này. Điều này thể hiện rõ nét nhu cầu cấp thiết trong việc giáo dục văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Việc Cảnh sát giao thông thường xuyên xử lý các lỗi vi phạm quy tắc trật tự, an toàn giao thông vẫn luôn được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Điều này đóng góp một phần trong công cuộc xây dựng văn hóa giao thông. Dẫu vậy, không ít ý kiến cho rằng, nếu chỉ dựa vào việc xử phạt sẽ không đủ để thay đổi hành vi lâu dài của người dân. Bên cạnh việc tăng cường quản lý và xử phạt của lực lượng có chức năng, việc tuyên truyền, giáo dục về trật tự, an toàn giao thông cũng đóng vai trò rất quan trọng. Chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cần phối hợp tổ chức nhiều hơn những chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về an toàn giao thông. Các thông điệp về việc tôn trọng luật lệ giao thông, văn hóa nhường nhịn trên đường và cách ứng xử khi tham gia giao thông nên được phổ biến rộng rãi hơn. Và trong thời đại công nghệ, rất nên ứng dụng rộng rãi (ví như phạt nguội) để nâng cao tự giác của người tham gia giao thông.
An toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà là vấn đề cần có sự chung tay của toàn xã hội. Cho nên, việc Cảnh sát giao thông ra quân xử lý các lỗi vi phạm là một biện pháp cần thiết, nhưng nó chỉ có hiệu quả khi mỗi cá nhân tự giác chấp hành các quy tắc giao thông. Sự kết hợp giữa việc xử phạt và việc nâng cao ý thức cá nhân sẽ là chìa khóa để giải quyết tình trạng giao thông tại các đô thị.