Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Eurozone đối mặt giảm tốc do chính sách thắt chặt tiền tệ

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phát huy hiệu quả khi lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có chiều hướng hạ nhiệt, song lại tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát giảm mạnh

Nhìn chung lạm phát ở hầu hết các nước châu Âu đang dần lắng dịu bất chấp giá dầu leo thang. Đặc biệt, theo cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), giá tiêu dùng của Eurozone đã giảm đáng kể từ mức 5,2% trong tháng 8 xuống 4,3% vào tháng 9, mức thấp nhất trong gần 2 năm qua.

Một số nền kinh tế lớn của châu Âu chứng kiến tỷ lệ lạm phát quay đầu đi xuống trong tháng 9. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu ghi nhận giá tiêu dùng giảm mạnh từ mức 6,4% trong tháng 8 xuống còn 4,3% vào tháng 9.

Theo các chuyên gia, do sự thay đổi về cách đo lường chỉ số lạm phát khi chương trình trợ cấp giá vé đường sắt trong 1 năm - nguyên nhân khiến cho tỷ lệ lạm phát tăng cao - vừa kết thúc vào tháng 6, giúp cho tỷ lệ lạm phát quay trở lại mức ổn định.

Lạm phát tại Eurozone trong tháng 9 giảm về mức thấp nhất trong gần 2 năm. Nguồn: tokenist.com
Lạm phát tại Eurozone trong tháng 9 giảm về mức thấp nhất trong gần 2 năm. Nguồn: tokenist.com

Tại Pháp, giá tiêu dùng giảm nhẹ từ 5,7% trong tháng 8 xuống còn 5,6% trong tháng 9. Tuy nhiên, lạm phát trong tháng 9 tại Italia lại tăng nhẹ lên 5,7%, từ mức 5,5% trong tháng trước đó.

Croatia hiện là quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong khu vực Eurozone với mức tăng 7,3% trong tháng 9. Ngược lại, Hà Lan là nước có tỷ lệ lạm phát thấp nhất không chỉ khu vực đồng tiền chung châu Âu mà trên toàn bộ lục địa già, với mức lạm phát rơi vào vùng âm ở mức - 0,3%.

Lãi suất cao sẽ được duy trì trong thời gian lâu hơn

Lạm phát ở “lục địa già” có chiều hướng giảm đồng nghĩa với việc tăng lãi suất mạnh tay của ECB đang đạt được hiệu quả như mong đợi, đồng thời củng cố niềm tin của nhà đầu tư về việc ECB sẽ nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ sau 10 tháng liên tục nâng lãi suất.

Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng khu vực Eurozone tại Pantheon Macro Economics, nhận định: “Đây có thể là khởi đầu cho việc lạm phát tiếp tục giảm nhanh chóng tại Eurozone. Chúng ta cần điều chỉnh lại những dự báo trước đây về giá tiêu dùng dựa trên các dữ liệu mới nhất. Tôi tin rằng ECB có thể đạt mục tiêu đưa lạm phạt cơ bản về mức 2,9% vào năm 2024”.

Tuy nhiên, trái ngược kỳ vọng của thị trường, ECB gần đây tiếp tục phát tín hiệu sẽ có thêm một vài đợt tăng lãi suất nữa để lạm phát giảm bền vững. Tuần trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đề nghị tiếp tục nâng lãi suất cho đến khi lạm phát giảm về sát mục tiêu 2%.

Lý giải về nỗ lực giảm lạm phát, bà Lagarde cho biết: “Chúng ta không thể đưa ra kết luận về đường đi của lạm phát chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Đây là một cuộc chiến trường kỳ mà chúng ta đang đối mặt”.

Một số chuyên gia cho rằng ECB sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cao trong một thời gian lâu hơn để kiểm soát lạm phát.

Chính sách thắt chặt tiền tệ hiện tại của ECB đang đè nặng lên các DN và người tiêu dùng, khiến họ lao đao trong việc vay vốn mở rộng kinh doanh, hoặc mua sắm nhà cửa, xe hơi, tủ lạnh bằng vay tín dụng.

Lãi suất tăng cao không chỉ khiến người dân hạn chế chi tiêu mà còn có nguy cơ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Lãi suất cao đặc biệt gây khó khăn cho các hộ gia đình có lãi suất thế chấp thay đổi, chiếm 1/3 số người tại Liên minh châu Âu (EU).

Theo báo cáo được Ủy ban châu Âu công bố ngày 28/9, niềm tin của người tiêu dùng Eurozone trong tháng 9 tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Trước động thái liên tục tăng lãi suất này, một số chuyên gia kinh tế đã đặt câu hỏi về tính đúng đắn từ các quyết định của ECB.

Họ cho rằng lạm phát ở châu Âu bắt nguồn từ một loạt cú sốc bất thường, như gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng từ đại dịch, hay giá năng lượng tăng vọt sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine.

Chính vì vậy, họ cho rằng ECB nên chờ đợi thêm thời gian để giá tiêu dùng dần được kiểm soát ổn định trở lại thay vì liên tục thực hiện một loạt động thái nóng vội.

Báo cáo Geneva mới nhất về Kinh tế Thế giới từ một mạng lưới các nhà nghiên cứu kinh tế công bố cuối tháng 9 cho rằng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là ECB, cần phải kiên nhẫn hơn trong việc đưa ra quyết định tăng lãi suất cũng như dành nhiều thời gian hơn để chờ đợi giá tự điều chỉnh.

Triển vọng không chắc chắn

Dữ liệu mới nhất từ Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, tình trạng giảm tốc của kinh tế Eurozone sẽ kéo dài đến năm 2024, và chính sách thắt chặt tiền tệ của ECB cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại trong việc triển khai các hoạt động kinh tế.

Cụ thể, EC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của EU trong năm 2023 xuống 0,8% từ mức 1% trong báo cáo được công bố vào mùa Xuân. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực Eurozone cũng được điều chỉnh giảm từ 1,1% xuống còn 0,8%.

Giá năng lượng được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong những tháng còn lại của năm 2023, tuy nhiên mức độ giảm có thể chậm hơn và thậm chí sẽ tăng nhẹ vào đầu năm 2024 do giá dầu tăng.

Theo báo cáo của EC, hoạt động kinh tế ở EU đã suy giảm trong những tháng đầu năm nay chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Giá tiêu dùng tăng cao đang gây sức ép đối với nền kinh tế các nước trong khu vực dù năng lượng có xu hướng giảm và thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ.

Chính sách thắt chặt tiền tệ của ECB cũng khiến cho các hoạt động tín dụng của ngân hàng suy giảm, ngành công nghiệp suy yếu liên tục. Trong khi đó, gành dịch vụ khó có thể phục hồi động lực bất chấp du lịch tại nhiều khu vực châu Âu có thành tích ấn tượng trong thời gian gần đây.

Theo EC, việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế hơn dự kiến, nhưng cũng sẽ khiến cho lạm phát giảm nhanh hơn, tạo điều kiện cho thu nhập thực tế phục hồi.

Ông Paolo Gentiloni - Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU cho rằng, bất chấp những khó khăn trên, nền kinh tế châu Âu trong tương lai vẫn hứa hẹn nhiều triển vọng.

Ông lưu ý thêm rằng các quốc gia châu Âu cần phải thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững, trong đó đặt trọng tâm vào thực hiện các kế hoạch phục hồi và ứng phó quốc gia.

Bên cạnh đó, vị quan chức này cũng khuyến nghị rằng EU cần phải thận trọng khi thực hiện các chính sách tài chính nhằm khuyến khích đầu tư cũng như phù hợp với các biện pháp kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương hiện nay.