Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

FAA chính thức mở cuộc điều tra với Boeing 737 MAX 9

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 11/1 thông báo mở một cuộc điều tra chính thức về máy bay Boeing 737 MAX 9, sau sự cố bung cửa giữa không trung trên chuyến bay của hãng Alaska Airlines hôm 6/1.

Máy bay Boeing 737 MAX 9 gặp sự cố của Alaska Airlines trong quá trình điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) tại Portland, bang Oregon, ngày 7/1/2024. Ảnh: Reuters
Máy bay Boeing 737 MAX 9 gặp sự cố của Alaska Airlines trong quá trình điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) tại Portland, bang Oregon, ngày 7/1/2024. Ảnh: Reuters

FAA đã cho dừng bay 171 máy bay phản lực Boeing sử dụng cùng bảng điều khiển với máy bay gặp sự cố hôm 6/1 để chờ kiểm tra an toàn. Hầu hết được khai thác bởi các hãng hàng không Mỹ là Alaska Airlines và United Airlines.

Vụ việc này là sự cố mới nhất trong một loạt bê bối làm lung lay niềm tin vào nhà sản xuất máy bay Mỹ. FAA cho biết, sự cố của Alaska Airlines "đáng lẽ không bao giờ xảy ra và nó không thể xảy ra nữa".

FAA đã thông báo cho Boeing về cuộc điều tra trong một bức thư hôm 10/1, với mục tiêu "xác định xem Boeing có đảm bảo các sản phẩm hoàn chỉnh phù hợp với thiết kế đã được phê duyệt và ở trong điều kiện vận hành an toàn" theo quy định của FAA hay không.

"Chúng tôi sẽ hợp tác đầy đủ và minh bạch với FAA trong các cuộc điều tra" - Boeing cho biết trong một tuyên bố. Cổ phiếu Boeing đã giảm 1,8% hôm 11/1, đánh dấu mức giảm hơn 10% kể từ khi vụ việc xảy ra.

Đầu tuần này, cả Alaska và United đều cho biết họ đã tìm thấy các bộ phận lỏng lẻo trên nhiều máy bay bị ngừng bay trong quá trình kiểm tra sơ bộ, làm dấy lên mối lo ngại mới về cách sản xuất dòng máy bay phản lực bán chạy nhất của Boeing. Hai hãng hàng không đã hủy hàng trăm chuyến bay kể từ khi có lệnh dừng bay của FAA.

Ngày càng nhiều nhà lập pháp Mỹ công khai bày tỏ mối lo ngại đối với Boeing và đặt câu hỏi về việc kiểm soát chất lượng sản xuất của hãng này. Hôm 10/1, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg từ chối cho biết khi nào FAA có thể cho phép các máy bay tiếp tục hoạt động, nhưng cho biết Boeing phải đảm bảo máy bay của họ "an toàn 100%".

Năm 2019, hàng loạt quốc gia đã đình chỉ tất cả máy bay Boeing 737 MAX trong 20 tháng, sau khi 346 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn ở Ethiopia và Indonesia liên quan đến phần mềm buồng lái được thiết kế kém.

Cuộc khủng hoảng đã làm xói mòn 50% thị phần máy bay chở khách của Boeing và công ty này đã kết thúc năm 2023 ở vị trí thứ 2, sau đối thủ Airbus về số lượng giao máy bay trong năm thứ 5 liên tiếp.

Hôm 11/1, Airbus đã công bố số lượng đơn đặt hàng máy bay phản lực hàng năm kỷ lục, với gần 2.100 đơn đặt hàng mới vào năm 2023, trong khi Boeing có 1.314 đơn đặt hàng mới. Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury nói với các phóng viên rằng họ đang theo dõi chặt chẽ cuộc điều tra đối thủ của mình và "tiếp thu từng bài học".