Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết việc làm: Thiếu giải pháp bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ đầu năm đến nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho 72.600 lao động. Kết quả khả quan ấy khiến không ít người đặt câu hỏi, liệu có khách quan khi số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp đang rất lớn.

 Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng giám đốc Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị nhận định, chỉ tiêu giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm đạt tới 51,8% trong bối cảnh nền kinh tế còn chứa đựng nhiều dấu hiệu bất ổn, cho thấy, thành phố đã rất quan tâm tới công tác này. Nhưng đến hết tháng 5/2012, số doanh nghiệp trên địa bàn ngừng hoạt động bằng 68% của cả năm 2011, với 7.745 doanh nghiệp. Vậy, số liệu thống kê nêu trên có bảo đảm tính khách quan (?) Mặt khác, cũng cần thống kê cụ thể số lượng lao động có việc làm và mất việc làm song song với số doanh nghiệp bị giải thể để đưa ra các giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Về điều này, lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, theo quan niệm về giải quyết việc làm, mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm. Trong tổng số 72.600 lao động được giải quyết việc làm, lĩnh vực dịch vụ - du lịch là thu hút nhiều lao động nhất với 35.300 người, thuộc 1.200 doanh nghiệp (chiếm 48,62%). Tiếp đến, lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản với  27.500 người lao động, thuộc 800 doanh nghiệp (chiếm 37,88%).

Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác giải quyết việc làm, tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP, chỉ có 35% lao động có việc làm ổn định, thấp hơn 5% so với 6 tháng đầu năm 2011. Còn lại 65% người lao động đang làm các công việc không ổn định. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp chung toàn thành phố là 4,8%, tăng 0,3% so năm 2011.

Giải quyết việc làm là một trong những chính sách quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội của mỗi địa phương. Với Hà Nội, nơi có tỷ lệ người lao động cao, bình quân mỗi năm tăng khoảng 90.000 lao động, càng trở nên bức thiết. Riêng 6 tháng đầu năm, khu vực thành thị có 165.000 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Thậm chí, từ đầu năm đến nay, hơn 1.000 lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp mất việc làm.

Nhằm giải quyết thực trạng này, thành phố đã chỉ đạo củng cố hệ thống giới thiệu việc làm tại 33 đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức một số phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, nơi có đông lao động mất việc làm và chuyển dịch đất nông nghiệp cần việc làm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận nhau. Công tác dạy nghề tại 266 cơ sở cũng sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giải quyết việc làm cho 705.000 lao động vào năm 2015 như Chương trình giải quyết việc làm TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 đề ra, công việc còn rất bộn bề. Theo đó, việc ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm và giá trị lao động là những nội dung cần đặc biệt quan tâm. Có như vậy, công tác giải quyết việc làm cho người lao động mới thực sự có ý nghĩa và đạt đến sự bền vững.