Quản lý công - ngành nghề cho ai yêu thích sự ổn định

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi Nhiều sinh viên quan tâm đến khối ngành có nhiều cơ hội dịch chuyển như: kinh tế, kinh doanh, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, thiết kế vi mạch, du lịch…

Bên cạnh đó, cũng không ít người chú ý đến một ngành học trầm lắng, ổn định, hướng đến làm việc tại các đơn vị thuộc khối Nhà nước, đó là ngành Quản lý công.

Yêu cầu toàn diện của ngành Quản lý công

Quản lý công là một bộ phận quản lý của Nhà nước, chuyên thực hiện các hoạt động và công việc liên quan đến quản lý hành chính và quản trị trong khu vực Nhà nước. Công việc gắn liền với Quản lý công là: giám sát quỹ, thu thập và phân tích các số liệu thống kê của Nhà nước, phát triển và thi hành chính sách của Chính phủ. Ngoài ra, Quản lý công còn đảm nhận các nhiệm vụ khác như quản lý cơ quan, tổ chức Nhà nước, biên tập chính sách…

Từ đặc điểm trên, ngành Quản lý công là ngành đào tạo ra các cán bộ Nhà nước, công chức, viên chức có đủ năng lực về khả năng lãnh đạo và quản lý cho các cơ quan, tổ chức trong bộ máy Nhà nước từ T.Ư đến địa phương.

Tùy mục tiêu đào tạo, ngành Quản lý công tại mỗi nhà trường sẽ có định hướng khác nhau. Tại Trường Đại học (ĐH) Thủ đô Hà Nội, sinh viên học ngành Quản lý công được trang bị vốn kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết toàn diện, chuyên sâu về ngành Quản lý công, kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật; kỹ năng nhận thức liên quan đến phản biện, phân tích, tổng hợp; kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp; làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi.

Nhiều thí sinh tìm hiểu về ngành Quản lý công - Khoa Khoa học quản lý (Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Ảnh: Nam Du
Nhiều thí sinh tìm hiểu về ngành Quản lý công - Khoa Khoa học quản lý (Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Ảnh: Nam Du

Học ngành này, sinh viên được đào tạo năng lực lập kế hoạch tổ chức và thực hiện các hoạt động hành chính, dịch vụ công, kế toán hành chính sự nghiệp; kiểm soát tài chính công, đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản công và quản lý thu chi ngân sách Nhà nước; có khả năng tự học, tự bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; được bồi dưỡng phẩm chất cá nhân, phẩm chất nghề nghiệp và phẩm chất xã hội đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công hiện nay.

Ngoài các mục tiêu đào tạo những nền tảng kiến thức vững chắc cho sinh viên, chương trình đào tạo được xây dựng tiên tiến hiện đại theo hướng ứng dụng; sinh viên được rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp; kỹ năng nhận thức liên quan đến phản biện, phân tích, tổng hợp; kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp; làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi.

Còn tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, chương trình đào tạo ngành Quản lý công sẽ trang bị cho sinh viên hệ thống kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh hiện đại; kiến thức lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường trong và ngoài nước; kiến thức chuyên sâu về quản lý công, quản lý các lĩnh vực công và khu vực công; kiến thức chuyên sâu về hoạch định, phân tích và tổ chức thực thi các chính sách công; kiến thức chuyên sâu về tổ chức công và quản lý tổ chức công.

Không những vậy, chương trình đào tạo cử nhân ĐH ngành Quản lý công được xây dựng có tính chất liên thông, tương đồng với chương trình đào tạo của các nước trên thế giới. Mục tiêu của chương trình là đào tạo những cử nhân Quản lý công có kiến thức cơ bản về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, khoa học tự nhiên, kinh doanh và quản lý; có phẩm chất chính trị, đạo đức và trách nhiệm với xã hội, có sức khỏe tốt; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và tự học; đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động…

Cơ hội việc làm cả Nhà nước lẫn tư nhân

Do được đào tạo kiến thức chắc chắn về quản lý Nhà nước, các kỹ năng nền tảng về quản lý, chính trị, pháp luật… nên cơ hội việc làm sau khi ra trường cho sinh viên ngành Quản lý công rất rộng mở. Theo thống kê, số lượng sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của ngành Quản lý công xấp xỉ 90%.

Cử nhân ngành Quản lý công có thể làm việc ở nhiều bộ phận, đơn vị quan trọng trong cơ quan Nhà nước; đảm nhiệm những công việc quản lý Nhà nước, quản lý cơ quan thuộc khu vực công, tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị hoạt động từ địa phương đến T.Ư. Cùng với đó, cử nhân Quản lý công có thể làm tư vấn quản lý, giám sát các hoạt động của DN, tổ chức; nhân viên hành chính trong các tổ chức tài chính, DN, tổ chức Nhà nước…

Theo các chuyên gia, Quản lý công không chỉ có tính ứng dụng ở môi trường trong nước, mà ngành học này còn mang tính toàn cầu; do vậy, người học Quản lý công có thể trở thành chuyên gia Quản lý công quốc tế tại các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang bước trên con đường hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiều thách thức cho các đơn vị, tổ chức trong và ngoài Nhà nước; trong đó việc xây dựng một đội ngũ các nhà quản lý chuyên nghiệp là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Người học ngành Quản lý công, ngoài công tác tại các cơ quan Nhà nước còn có thể làm việc cho các đơn vị tư nhân và nếu người học tham gia một số khóa học về kinh tế, kế toán… còn có thể hoạt động trong các ngân hàng, công ty, DN, quỹ bảo hiểm, đầu tư.

Thực tế cho thấy, các cử nhân ngành Quản lý công hoàn toàn đảm nhận được vai trò chuyên viên trong các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận trong nước và quốc tế; tham gia quản lý trực tiếp các dự án của đơn vị ngoài Nhà nước, quản lý dự án tư nhân…

Bên cạnh đó, sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý công, cử nhân ngành này còn đảm nhận vai trò giảng viên trong các trường ĐH và cao đẳng; nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu; hay nhân viên tư vấn hoặc nghiên cứu viên trong các tổ chức tư vấn trong các tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, vị trí, vai trò cụ thể như thế nào còn phụ thuộc và trình độ, mục tiêu, nỗ lực của từng người.

Khi làm việc trong cơ quan Nhà nước, cử nhân ngành Quản lý công có mức lương tương ứng bậc lương quy định gồm lương cơ bản, phụ cấp và thưởng kèm theo, dao động từ 8 - 15 triệu đồng/tháng. Với người làm việc tại khối tư nhân, mức lương có thể cao hơn gấp nhiều lần tùy vị trí, năng lực, trong đó tính đến khả năng sử dụng ngoại ngữ của ứng viên.

Nhìn chung, Quản lý công là ngành học mang đến sự ổn định về nghề nghiệp cũng như mức thu nhập. Đây cũng là ngành có yêu cầu khắt khe về kiến thức, năng lực, trình độ chính trị, hiểu biết xã hội… Về cơ bản, đây là một ngành học tốt, hướng đến sự bền vững, khá kén người học/người làm nhưng có cơ hội thăng tiến cao.

Hiện có nhiều cơ sở đào tạo uy tín trên cả nước mở ngành học này; trong đó có cả chương trình tiêu chuẩn, chương trình tiếng Anh, chương trình liên kết hay chương trình chất lượng cao để người học nghiên cứu, lựa chọn.