Đừng chỉ là khẩu hiệuTheo lãnh đạo Urenco Hà Nội, thực hiện Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND TP về việc phòng chống rác thải nhựa và nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Kế hoạch hành động thực hiện chương trình sản xuất bền vững TP Hà Nội năm 2020... từ năm 2020, đơn vị đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và các nhà tài trợ triển khai tổ chức thu gom rác tái chế hàng ngày tại 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và 1 tổ sản xuất của Urenco Chi nhánh Hai Bà Trưng. Đồng thời, duy trì hoạt động Greenday – thu mua rác tái chế và tặng quà tại 10 điểm vào các sáng thứ Bảy hàng tuần tại 4 quận nội thành, thu hút hơn 9.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, Ban Tổ chức đã tổ chức thu đổi rác tại 7 điểm trường của quận Ba Đình, 1 điểm trường và 1 điểm của Hội Phụ nữ quận Hoàn Kiếm...
Nhờ đó, tổng khối lượng rác tái chế trong năm 2020 đạt gần 147 tấn, trong đó khối lượng rác thu được từ các ngày Greenday đạt hơn 45 tấn, khối lượng rác thu đổi các ngày trong tuần đạt hơn 101 tấn... Ngoài ra, Urenco đã phối hợp với các đơn vị tài trợ như Unilever, Công ty bánh kẹo Hải Hà chuẩn bị nguồn quà tài trợ phục vụ các hoạt động của dự án; phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn hơn 900 lượt tải app Mgreen và gần 500 lượt thực hiện giao dịch đổi quà qua app. Ông Hoàng Văn Sáng - Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Trước đây, rác thải tái chế thường được gia đình tôi vứt cùng rác sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, nhận thấy ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn đem lại đối với môi trường sống, gia đình tôi đã để riêng".
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Urenco, lượng rác tái chế mà đơn vị thu được chỉ là một phần rất nhỏ của lượng rác thải tái chế phát sinh hàng ngày. Bên cạnh đó, đến thời điểm này, mặc dù Urenco đã tăng cường vận động, kêu gọi sự vào cuộc của các DN - những đơn vị sản xuất kinh doanh sử dụng sản phẩm nhựa, có trách nhiệm với môi trường song, số lượng DN hưởng ứng, tích cực tham gia chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Cần có những biện pháp đồng bộCuối tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên. Thực hiện Chỉ thị này, các đơn vị có liên quan đang hoàn thiện chế tài quản lý chất thải rắn theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý…
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác... đang gặp không ít khó khăn. Ông Phạm Cao Thắng – Phó Tổng Giám đốc Urenco cho biết, hoạt động kinh doanh rác tái chế là một ngành nghề nhiều tiềm năng nhưng hiện nay nhiều đơn vị vẫn còn rụt rè, chưa mạnh dạn triển khai rộng khắp hoạt động thu mua rác tái chế. Bên cạnh đó, do là ngành nghề kinh doanh mới đối với đơn vị nên cách thức tính thuế, viết hóa đơn cần chờ hướng dẫn của Cục Thuế và cơ quan chuyên môn...
Cũng theo ông Phạm Cao Thắng, để khắc phục tồn tại, tiếp tục đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm để làm việc với các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện… trên địa bàn về công tác phân loại rác, đảm bảo 100% đơn vị cùng tham gia. Đồng thời rà soát, thống kê số lượng người bới rác tự do mời về tập huấn, cấp thẻ thành viên. Các trường hợp không có thẻ không cho hoạt động trên địa bàn quận... Cùng với đó, tiếp tục cải tạo, chỉnh trang điểm thu mua rác tái chế hàng ngày tại các phường; trang bị máy móc thiết bị làm sạch và đóng bánh, đóng gói các loại rác tái chế tại kho lưu chứa.