Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ là cần thiết

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Dự kiến, Dự án Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 7.

Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (Đoàn TP Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (Đoàn TP Hà Nội)

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (Đoàn TP Hà Nội) bày tỏ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về Dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, đại biểu Lê Nhật Thành nhất trí với quy định bổ sung áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ (điểm h khoản 3 điều 1) và cho rằng: công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Ngoài việc bảo đảm an ninh an toàn cho đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận chiều 3/6
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận chiều 3/6

Do đó tùy tình hình an ninh, trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp (thường là trong phạm vi, thời gian nhất định) cho từng đối tượng là phù hợp.

Đại biểu Lê Nhật Thành dẫn chứng, theo thống kê của cơ quan chủ trì soạn thảo, thực tiễn từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 57 Đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của các Bộ, ban, ngành, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.

"Do vậy, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của công tác cảnh vệ, việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể là cần thiết và phù hợp" - đại biểu Lê Nhật Thành nêu.

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình bổ sung các chức danh “Thường trực Ban Bí thư”, “Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”, và “Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao” vào “đối tượng cảnh vệ”.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là phù hợp, kịp thời thể chế hóa các chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với các lãnh đạo cấp cao theo Kết luận số 35 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục, chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp)

Đối với đối tượng cảnh vệ là “khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ để quy định đầy đủ các đối tượng khách quốc tế thuộc diện được bảo đảm chế độ và biện pháp cảnh vệ, phù hợp đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, pháp luật của Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như yêu cầu của tình hình thực tiễn.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Đoàn tỉnh Bắc Giang) đề xuất tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật để tránh lạm dụng khi thực thi một số biện pháp liên quan đến quyền con người và quyền công dân.

Đại biểu phân tích, với đặc điểm, tính chất của công tác cảnh vệ, Luật Cảnh vệ năm 2017 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ có một số điều khoản liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân (đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013) - nhất là các quy định về biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ.

Ví dụ một số biện pháp, quyền hạn về: kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nổ súng trong một số trường hợp; huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ và các biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ...

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Đoàn tỉnh Bắc Giang)
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Đoàn tỉnh Bắc Giang)

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị bổ sung thêm khoản 6 vào điều 5 quy định nguyên tắc sau: Không tùy tiện, lạm dụng thực thi các biện pháp cảnh vệ có thể dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Trên cơ sở nguyên tắc này, đề nghị Chính phủ và Bộ Công an tiếp tục có các quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện, cách thức, quy trình thực hiện các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm thực hiện trong thực tế.

Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét bổ sung hoạt động cảnh vệ ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Điều 2 quy định về đối tượng áp dụng quy định, để bảo đảm đầy đủ địa bàn của công tác cảnh vệ.

Cuối phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.