Những sự việc gần đây như tăng giá vé taxi, hàng rong hét với giá trên trời thực sự là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Với sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay thì những sự việc như thế này nhanh chóng lan truyền, đã tạo nên những cái nhìn xấu xí trong mắt khách du lịch.
Từ tâm lý không thoải mái, bức xúc, du khách sẽ bị ác cảm với điểm đến, rồi tuyên truyền với những người thân, bạn bè của họ về tình trạng này, đồng thời có những cảnh báo thận trọng, e ngại từ đó làm mất đi tính hấp dẫn của điểm đến du lịch, khiến không ít người không còn muốn quay trở lại điểm đến đó nữa.
Mặc dù pháp luật đã có quy định đối hành vi không niêm yết hàng hóa, dịch vụ hoặc niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng tuy nhiên có thể do công tác quản lý vẫn còn lỏng lẻo nên vẫn còn tình trạng gây bức xúc cho khách du lịch. Lĩnh vực này rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Bên cạnh việc xử phạt nghiêm, đủ ức răn đe đối với hành vi vi phạm thì chúng ta cũng cần giáo dục, tuyên truyền các cá nhân bán hàng rong hay kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch ý thức về việc chung tay xây dựng uy tín, hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, mến khách.
Thông qua những sự việc như thế này, chúng ta cũng cần cả sự vào cuộc của truyền thông, qua các trang mạng xã hội để lên án, phê phán, điều chỉnh những hành vi bán hàng “chộp giật”.
Song song với đó, cần tăng cường tuyên truyền đến du khách khi xảy ra hoặc chứng kiến những sự việc tương tự như vậy, ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân hay của người khác cần kịp thời trình báo cơ quan chức năng, gọi điện tới đường dây nóng để phản ánh, giải quyết tận gốc để đảm bảo quyền lợi tiêu dùng của mình.
Cần có chính sách quản lý bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đăng ký và công khai toàn bộ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá cả và nguồn gốc hàng hóa… một cách cụ thể trên website hoặc công khai giá cả để du khách có thể “thuận mua vừa bán” tránh những sự việc ồn ào, gây hệ lụy không nhỏ cho du lịch Thủ đô.