Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho Nhiệt điện Thái Bình 2

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/7, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo các công trình điện trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành có liên quan đã có buổi làm việc tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Vướng về vốn

Theo báo cáo của PVN, đến nay, tiến độ tổng thể dự án đã đạt 84,19%, trong đó thiết kế đạt 99,63%; ký các Hợp đồng mua sắm đạt khoảng 99,71%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,79%; thi công đạt 82,14%, chạy thử đạt 3,52%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và đoàn công tác làm việc với Nhiệt điện Thái Bình 2 để tháo gỡ khó khăn cho Dự án. 
Chia sẻ về tiến độ dự án, Trưởng Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 Nguyễn Ngọc Hải cho biết, dự kiến, dự án sẽ phát điện vào năm 2020, hiện nghiệm thu vốn đầu tư giải ngân 32.000 tỷ đồng, tiến độ đạt trên 84%, thiết kế đạt trên 90%, mua sắm trên 95%...
“Do dòng tiền chậm nên lo ngại ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Nhân sự cũng ngày càng giảm, từ 800 người giờ chỉ còn 300 - 400 người. Dự án còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế tổng thầu trong nước, tài chính, quá trình triển khai xảy ra nhiều bất cập…” - ông Hải lý giải.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh chia sẻ, dự án có nhiều khó khăn, trong quá trình làm, tổng thầu là Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) có nhiều sai phạm hình sự... Các tổ chức tài chính cắt tín dụng, dự án không thể vay được nữa. “Nhưng nếu Nhiệt điện Thái Bình 2 thay tổng thầu thì còn nguy hiểm hơn, bởi ai sẽ làm? Hiện nay, Tập đoàn đã trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo, vận hành mọi vấn đề từ con người, vốn… và lên kế hoạch triển khai tiếp khi có tiền”- ông Trần Sỹ Thanh bày tỏ.
Đồng thời thông tin thêm, cùng với thể chế, pháp lý, tư tưởng của anh em thì tài chính là 1 trong 4 vấn đề chính tại Nhiệt điện Thái Bình 2: “Làm gì cũng phải có tiền. Nếu không có quyết sách sớm thì dự án đóng cửa sớm”- ông Thanh nói.
Nói về tầm quan trọng của dự án, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (mỗi năm cung cấp cho hệ thống từ 7 - 8 tỷ kWh điện) là dự án hạ tầng năng lượng quan trọng, cấp thiết, cần sớm đưa vào vận hành từ năm 2021 để cung cấp điện cho hệ thống điện. Dự án đã hoàn thành phần lớn công việc, cần phải tiếp tục đầu tư để hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.
“Gần đây, Bộ Công Thương đã cân đối lại kế hoạch cung cấp điện đến 2025, nếu không có dự án lớn thì 2021 nguy cơ thiếu 6,6 tỷ kWh điện, năm 2022 thiếu 11,8 tỷ kWh và năm 2023 thiếu 15 tỷ kWh… Nếu dự án đi vào vận hành thì năm 2021 có thể sẽ không thiếu điện và 2022 thì bớt đi nhiều, nên chúng ta cần phải quyết tâm tiếp tục gỡ khó cho dự án đi vào vận hành thương mại” - Thứ trưởng Vượng chỉ ra.
Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. 
Tìm giải pháp đồng bộ
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là thời điểm quan trọng với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung. Theo đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng để tháo gỡ cho PVN và ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 để có hướng xử lý hiệu quả, đảm bảo thành công dự án và nguồn điện quốc gia.
“Bộ Công Thương sẽ có báo cáo Thủ tướng về tình hình khó khăn của dự án, kiến nghị cơ chế chính sách xử lý. Không thể xử lý hết hệ lụy một sớm một chiều nhưng cũng phải bảo toàn vốn Nhà nước, đưa dự án vào hoạt động" - Bộ trưởng nêu rõ.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, điều quan trọng phải có nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án. Vấn đề ở đây là thiếu vốn phải giải quyết trong chiến lược ngắn hạn, dài hạn và trung hạn. Cần lưu ý là năng lực nhà thầu. Bên cạnh PVC còn có nhiều đơn vị mạnh, có năng lực, cần bổ sung thêm để hỗ trợ hoàn thành vai trò của tổng thầu trong thời gian tới.

Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Hoàng Anh lưu ý, phải nhìn nhận dự án thấu đáo. Cần nhìn đồng tiền đầu tư cho dự án, nhưng có dự án không quyết toán nổi, cần phải đánh giá nghiêm túc, kiểm tra giám sát để có quyết định cuối cùng báo cáo Thủ tướng.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn là dự án rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cân đối cung cầu điện. Nếu đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thì đây là giải pháp quan trọng nhất để bảo toàn vốn đầu tư nhà nước cho những công trình điện quan trọng.
 

Theo Bộ trưởng, Nhiệt điện Thái Bình 2 còn nhiều việc phải làm, bao gồm rà soát, khẳng định lại các phương án kỹ thuật tương ứng với cơ cấu vốn đầu tư thay đổi; kế hoạch, giải pháp nhằm đảm bảo năng lực của PVN.

“PVN chịu trách nhiệm các phương án để tổ chức quản lý, triển khai... đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, đảm bảo năng lực tổng thầu, quản trị dự án, các hợp đồng với các nhà thầu khác khi đề xuất được thông qua. PVN phải có phương án ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các nhà thầu khi nhà máy chạy thử và đi vào vận hành. Đồng thời, cơ cấu kiện toàn lại tổng thầu PVC, tránh những hệ luỵ từ các dự án khác, ràng buộc trách nhiệm của PVC với nguồn vốn tăng thêm” - Bộ trưởng quyết liệt.
Bộ trưởng lưu ý và giao cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo làm đầu mối đôn đốc đơn vị bộ, ngành góp ý, chỉ đạo và trả lời chính thức về những nội dung trong văn bản đề xuất, báo cáo thường trực Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính gia hạn các khoản vay nước ngoài cũng như Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện giải ngân cho dự án.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục có buổi làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình về hoạt động công nghiệp, thương mại Thái Bình năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019.