Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gói kích thích kinh tế giải ngân, phân bổ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu

Dương Tùng
Chia sẻ Zalo

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021…

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát

Thảo luận tại tổ 12 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh thành như Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Kiên Giang... các đại biểu cho rằng, năm 2021, nền kinh tế nước ta đã chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh đối mặt với rất nhiều khó khăn, chuỗi sản xuất, lao động đứt gãy.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 12
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 12

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 1,84%, các cân đối vĩ mô cơ bản được đảm bảo.

Đặc biệt, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kịp thời nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phòng chống dịch, tăng cường tiêm chủng vaccine, góp phần quan trọng để phục hồi kinh tế.

Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu bày tỏ tán thành với báo cáo bổ sung kết quả kết thực hiện phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Quan tâm đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đại biểu Lã Thanh Tân, đoàn ĐBQH TPHải Phòng cùng một số đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng đối với hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động tiêu cực của chuỗi cung ứng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận

Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cho biết, một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công.

Gói kích thích kinh tế đã tập trung đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế… nhưng đến nay tiến độ giải ngân, phân bổ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; gây ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo.

Cho rằng đây là vấn đề trầm kha, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm và còn để lại những hậu quả nặng nề, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải tìm giải pháp mới, đột phá để giải quyết những vấn đề đã cũ.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng, Nghị quyết 42 của Quốc hội Khóa XIV về bản chất cũng là một luật như vậy, khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan.

Do đó, không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật.

Ngành ngân hàng, Chính phủ phải tự đặt ra áp lực để vượt lên, phải giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian thực hiện kéo dài Nghị quyết 42, nhất là nhiệm vụ về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để đưa trở về trạng thái bình thường.

“Lo được vaccine cho gần 100 triệu dân là thành tựu rất đáng ca ngợi”

Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, trong thời điểm hết sức khó khăn mà lo được vaccine cho gần 100 triệu dân là thành tựu rất đáng ca ngợi.

Sự chỉ đạo, điều hành phù hợp đã giúp nền kinh tế từ tăng trưởng âm đã tăng trưởng dương và 5 tháng đầu năm 2022 ở TP Hồ Chí Minh cho thấy phục hồi rất rõ nét, trên tất cả các lĩnh vực.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Zing
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Zing

Chỉ số CPI vẫn được kiểm soát dưới 4% trong liên tiếp 7 năm là thành quả rất lớn, góp phần ổn định kinh tế vi mô. Thu ngân sách tăng 16,8% đã kéo giảm bội chi ngân sách nên nợ công cũng thấp hơn so với đầu năm.

Tuy vậy, đại biểu cũng cảnh báo, với độ mở kinh tế lớn (180% so với GDP và là 1 trong 5 quốc gia có độ mở lớn), Việt Nam gặp nhiều thách thức trong bối cảnh không thuận lợi như hiện nay, nhất là cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến giá dầu tăng cao, chính sách zero Covid của Trung Quốc dẫn đến khó khăn nguồn nguyên vật liệu... Việt Nam xuất siêu nhưng phần lớn từ khu vực FDI nên “vốn nước ngoài có vấn đề và hiện đang có vấn đề thì thách thức với chúng ta thời gian tới”.

Phân tích sâu về nhiều đợt lạm phát mà nước ta phải đối mặt, buộc phải “dùng thuốc liều cao” là thắt chặt chính sách tài khoá, chặt chẽ chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, ông Trần Hoàng Ngân lưu ý với dấu hiệu hiện nay như giá xăng dầu tăng liên tục thì thiết nghĩ Chính phủ, Quốc hội cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng xầu.

Theo đại biểu, chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng ta có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, rồi thuế tiêu thụ đặc biệt không có lý do gì "đánh" trong thời điểm hiện nay khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.

“Việc này Quốc hội phải có ý kiến và kỳ họp này nếu được thì Quốc hội nên đưa vấn đề vào xem xét, có thể dành một buổi tối trong tuần để bàn. Không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ domino tăng giá đến các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh lấy đi hết tiết kiệm của họ và hiện người dân rất khó khăn” – ông Trần Hoàng Ngân nói.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong bối cảnh hiện nay, đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm tới những khó khăn về nguồn vốn và chi phí vốn vay; giá xăng dầu, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro thiếu hụt nguồn cung đầu vào…, việc theo dõi, dự báo, điều hành ngân sách nhà nước; đặc biệt cần quan tâm hơn nữa tới việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để có những chuyển biến sâu sắc về kinh tế-xã hội, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.