Hôm nay, Google đón sinh nhật lần thứ 25, dấu ấn đáng nhớ không chỉ với công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới mà còn đối với cả lịch sử Internet.
Với hàng tỷ lượt truy vấn tìm kiếm mỗi ngày, Google đã trở thành một phần không thể thiếu đối với mỗi chúng ta trong hơn hai thập kỷ qua.
Tuy nhiên, trước sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI), công cụ tìm kiếm bậc nhất thế giới này đang đứng trước ngã rẽ then chốt: Đổi mới hay giữ nguyên?
Giới chuyên gia cho rằng Google cần phải có những nước đi thích hợp nhằm ứng phó với ưu thế vượt trội của AI, thứ mang đến cho loài người những tiện ích to lớn nhưng cũng đầy thách thức.
Trước khi đề cập vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu lịch sử hình thành cũng như lý giải nguyên nhân làm nên thành công của Google.
Nhu cầu tiếp cận thông tin
Kể từ năm 1950, nhiều thư viện địa phương được mở để giúp người dân tra cứu thông tin. Thời điểm đó, thủ thư giúp giải đáp thắc mắc qua điện thoại cho doanh nghiệp và người yêu cầu.
Mặc dù mọi việc đều thực hiện miễn phí nhưng lại tốn rất nhiều thời gian, sức lao động và quy trình thực hiện. Những câu hỏi vốn chỉ cần giải quyết trong vòng vài phút thì lại mất hàng giờ, hàng ngày hoặc thậm chí hàng tuần để trả lời.
Đến những năm 1990, người dân có thể sử dụng máy tính cá nhân ở thư viện để truy cập thông tin. Các công ty dịch vụ tìm kiếm thương mại phát triển mạnh nhờ vào nguồn thu từ thư viện truy cập thông tin tính phí. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn do hệ thống tìm kiếm thông tin phức tạp, đòi hỏi sự giúp sức của chuyên gia và tốn chi phí.
Dialog, được phát triển tại Lockheed Martin vào những năm 1960, là một trong những ví dụ tiêu biểu cho loại hình này. Ngày nay, nền tảng này cho biết sẽ cung cấp cho khách hàng quyền truy cập hơn 1,7 tỷ hồ sơ trên hơn 140 cơ sở dữ liệu đối với các tài liệu được bình duyệt. Hay phần mềm FT PROFILE của The Financial Times, cho phép truy cập vào các bài viết trên mọi tờ báo khổ lớn của Vương quốc Anh trong vòng 5 năm.
Sự trỗi dậy của Google
Sau sự ra đời của World Wide Web vào năm 1993, số lượng trang web đã tăng theo cấp số nhân.
Nhiều thư viện cung cấp quyền truy cập web công cộng cho người dân và các tổ chức với chi phí thấp, gồm thư viện Vicnet của Tiểu bang Victoria. Tuy nhiên, lượng thông tin bùng nổ và số người truy cập lớn đã khiến các hệ thống tìm kiếm này quá tải.
Năm 1994, cuốn sách Quản lý Gigabyte của ba nhà khoa học máy tính người New Zealand đã nêu giải pháp cho vấn đề này.
Ý tưởng đó là tiền đề quan trọng để hai nhà sáng lập đại tài Larry Page và Sergey Brin tạo nên cuộc cách mạng mang tính thế kỷ về công cụ tìm kiếm thông tin. Ra mắt vào ngày 4/9/1998, Google thu hút đông đảo người hâm mộ bằng hộp tìm kiếm đơn giản, cách trình bày kết quả gọn gàng và kết quả hoàn toàn trùng khớp với truy vấn.
Về mặt chức năng, Google hoạt động hiệu quả do sử dụng thuật toán PageRank – thuật toán phân tích các liên kết – để đưa ra kết qủa cho người tìm kiếm. Thuật toán này không chỉ cho ra kết quả trong một trang hoàn toàn trùng hợp với truy vấn tìm kiếm mà còn liên kết trang đó với các văn bản khác.
Với những lợi thế trên, mức độ phổ biến của Google nhanh chóng vượt qua các đối thủ như AltaVista và Yahoo Search. Đến nay, nó vẫn là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất với hơn 85% thị phần. Tuy vậy, việc Google ngày càng mở rộng dẫn đến chi phí truy cập ngày càng tăng.
Mặc dù hiện nay Google miễn phí nhưng người dùng vẫn phải trả phí để tải một số tài liệu nhất định. Hơn thế nữa, các thư viện Google cũng phải chật vật để mua tài liệu và cung cấp miễn phí cho công chúng.
Google ngày càng mở rộng nhiều ứng dụng, như Gmail, Google Drive, Lịch Google...
Với việc giới thiệu các nền tảng công nghệ AI, bao gồm Bard và Gemini, Google một lần nữa sẵn sàng cách mạng hóa công cụ tìm kiếm.