Bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh Hà Nam và lãnh đạo Công an tỉnh về tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác này.
Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho các cơ quan, đơn vị, hộ kinh doanh và các tầng lớp Nhân dân.
Đồng thời tăng cường công tác nắm chắc tình hình, phối hợp với các ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn; nhất là trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”.
Từ cuối năm 2013 đến nay, các lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã ra quân kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại hàng trăm cơ sở, phát hiện và xử lý gần 100 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 400 triệu đồng.
Điển hình như: Tháng 12/2023, bằng các biện pháp công tác, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Phòng Cảnh sát kinh tế), Công an Hà Nam đã phối hợp với Cục quản lý thị trường tỉnh thu giữ hơn 1 tấn thực phẩm gồm: nội tạng lợn, bì, mỡ động vật,... không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở của Nguyễn Văn Tình ở phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Đáng chú ý, các loại thực phẩm này không có hoá đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ được chủ cơ sở thu gom trôi nổi tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh về sơ chế, chế biến để bán ra thị trường.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho Nhân dân, Công an tỉnh Hà Nam đề nghị người dân cần thực hiện tốt các biện pháp về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống ngộ độc và các bệnh lây qua đường tiêu hóa, thực hiện nghiêm túc các quy định về ATVSTP để bảo đảm an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Người dân phản ánh kịp thời đến các đơn vị chức năng nếu phát hiện tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm không an toàn, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, gây nguy hại đối với sức khỏe con người. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.