Theo thông tin từ Sở Nội vụ Hà Nội, ngày 5/6/2024, UBND TP đã ban hành "Quy chế khen thưởng doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội".
Quy chế gồm 5 Chương, 17 Điều, quy định đối tượng, nguyên tắc, tiêu chuẩn, hồ sơ, quy trình khen thưởng doanh nhân, doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của doanh nhân, doanh nghiệp; trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đơn vị liên quan.
Đối tượng áp dụng Quy chế này là các sở, ban, ngành; MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội TP, các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP có chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp hoặc có doanh nhân tham gia các hoạt động của cơ quan, đơn vị; UBND quận, huyện, thị xã và doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Về nguyên tắc khen thưởng, doanh nghiệp được đề nghị khen thưởng Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của UBND TP phải được các cụm, khối thi đua do TP tổ chức bình xét, suy tôn; có thời gian hoạt động liên tục từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét khen thưởng.
Doanh nghiệp đề nghị xét tặng giải thưởng “Cúp Thăng Long” phải có thời gian hoạt động liên tục từ 3 năm trở lên tính đến thời điểm khen thưởng. Doanh nghiệp đề nghị khen thưởng nhân dịp kỷ niệm phải có thời gian hoạt động liên tục từ 5 năm trở lên.
Trường hợp doanh nghiệp được UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ xét, tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” nhưng không được tặng thưởng “Cờ thi đua của Chính phủ” thì được xét, tặng “Cờ thi đua của UBND TP”.
Song song đó, Quy chế nêu rõ không xét khen thưởng đối với một số trường hợp. Thứ nhất, trong thời gian tính thành tích khen thưởng có vi phạm quy định về thuế, BHXH, môi trường, vệ sinh, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt hoặc ngoài thời gian tính thành tích khen thưởng, có các vi phạm trên bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt nhưng chưa khắc phục hết vi phạm (trừ trường hợp có lý do chính đáng, được cấp có thẩm quyền chấp thuận).
Thứ hai, không tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền đang điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc đang giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thứ tư, báo cáo đề nghị khen thưởng không trung thực.
Cũng theo Quy chế này, thủ trưởng các sở, ban, ngành, MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội TP, đơn vị trực thuộc TP có chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp hoặc có doanh nhân tham gia các hoạt động của cơ quan, đơn vị; chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về hồ sơ, quy trình, tính chính xác của thành tích và những nội dung liên quan.
Sở Nội vụ Hà Nội (Ban Thi đua-Khen thưởng TP) là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện trình các cấp khen thưởng.
Bên cạnh đó, Quy chế nêu rõ, giải thưởng “Cúp Thăng Long” được tặng cho doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn sau: thành tích xuất sắc tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô bảo đảm điều kiện theo Điều 7 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP; 3 năm liên tục (tính đến thời điểm xét khen thưởng) có điểm chấm đạt từ 80 điểm trở lên theo Bảng tiêu chí chấm điểm; doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp liên tục tăng trưởng dương trong 3 năm tính đến thời điểm xét khen thưởng.
Về số lượng giải thưởng, “Cúp Thăng Long” được xét tặng cho không quá 20 doanh nghiệp trong năm xét tặng. Thời gian tổ chức xét tặng giải thưởng “Cúp Thăng Long” là 3 năm một lần, tính từ khi tổ chức Lễ trao tặng giải thưởng của lần trước đó. Sở Nội vụ (Ban Thi đua-Khen thưởng TP) xây dựng hướng dẫn cụ thể việc tổ chức xét tặng giải thưởng “Cúp Thăng Long”.