Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội cần tận dụng nguồn lực tri thức cao để phát triển AI

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giáo sư Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán học Việt Nam (VIASM) đã đưa ra góc nhìn về những lợi ích mà ứng dụng AI có thể mang đến cho Hà Nội.

Dưới vai trò là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, ông cho rằng công nghệ này sẽ mang lại những lợi ích cụ thể nào cho Hà Nội?

GS. Hồ Tú Bảo: Có thể nói một cách ngắn gọn AI là công nghệ hỗ trợ con người thực hiện những hoạt động cần phải có năng lực, trí tuệ một cách trơn tru và hiệu quả hơn. Với sự phát triển mạnh mẽ của AI tạo sinh trong những năm gần đây và nền tảng là AI dự đoán đã có từ nhiều năm các hoạt động dạng này của con người sẽ càng được hỗ trợ đắc lực hơn.

Do đó, lợi ích đầu tiên mà người dân Thủ đô nhận được nếu Hà Nội tập trung vào ứng dụng AI là họ có thể áp dụng trực tiếp vào cuộc sống hàng ngày, qua đó giải quyết một số nhu cầu trong cuộc sống. Ví dụ như khi gặp vấn đề nào đó mà cần có câu trả lời thì có thể hỏi AI để từ đó có giải pháp cụ thể. Cần chú ý, nếu người dùng càng hỏi AI rõ ràng, cụ thể thì sẽ nhận được phản hồi càng sát với nhu cầu.

GS. Hồ Tú Bảo
GS. Hồ Tú Bảo

Ngay cả trong hoạt động của bộ máy chính quyền Hà Nội, AI có thể thể hiện sự hỗ trợ đắc lực. Mặc dù AI vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn con người nhưng công nghệ này luôn đưa ra được những gợi ý giúp công việc trở nên hiệu quả và đỡ tốn nhiều thời gian hơn. Từ đó cũng giúp bộ máy của Hà Nội hoạt động tốt theo đúng phương châm “do dân – vì dân” khi tiết kiệm được tối đa thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ công.

Không chỉ vậy, AI còn đem lại nhiều lợi ích cụ thể trong các nhu cầu cuộc sống của người dân Thủ đô. Có thể lấy ví dụ đơn cử trong lĩnh vực ý tế, với việc Hà Nội đã xây dựng được hồ sơ sức khỏe điện tử cho công dân, cộng thêm với nguồn dữ liệu rất lớn có được từ trước đó, nếu đưa AI vào sẽ có hỗ trợ rất lớn. Từ đó sẽ giúp các bệnh viện thấu hiểu được rõ ràng hơn tình trạng sức khỏe của người dân, dễ dàng hơn trong việc đưa ra phác đồ điều trị phủ hợp… Thậm chí còn trợ giúp đắc lực cho Thành phố trong việc dự đoán về dịch bệnh có thể xảy ra.

Từ đó có thể thấy, với AI, Hà Nội có thể xây dựng lên những hệ thống chuyên dụng nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết như giao thông, giáo dục, kinh tế … Việc này không chỉ giúp Thành phố khai thác hiệu quả các dữ liệu đang nắm trong tay mà còn giúp quá trình xử lý trở nên hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn.

Vậy theo ông Hà Nội nên tích hợp AI vào các hoạt động của mình theo hướng nào là phù hợp ?

GS. Hồ Tú Bảo: Để AI có thể ứng dụng được trong các hoạt động của Thành phố thì công nghệ này không thể đứng riêng lẻ mà cần đặt vào mô hình mà ta tạm gọi là hệ sinh thái chuyển đổi số của Hà Nội cũng như gắn với cả chiến lược dữ liệu của Thủ đô.

Về bản chất, AI cũng như nhiều công nghệ khác là hoạt động dựa trên dữ liệu. Mà trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày chúng ta đã có đầy đủ công cụ để khai thác các dữ liệu trên. Ví dụ như một Trung tâm điều hành Thành phố thông minh cũng được tích hợp rất nhiều công cụ để chuyển hóa dữ liệu thành cảnh báo, giải pháp. Do đó việc xây dựng một nền tảng dữ liệu tốt là điều rất cần thiết nếu Hà Nội muốn đẩy mạnh ứng dụng AI vào hoạt động của mình.

Tóm lại, Hà Nội cần đặt AI vào hệ sinh thái số chung của Thành phố, gắn trực tiếp với các nhu cầu trong cuộc sống từ đó công nghệ này mới phát huy hết hiệu quả trong việc trợ giúp người dân, doanh nghiệp cũng như chính quyền Thủ đô.

Lực lượng từ các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội đã đóng góp rất lớn về nguồn lực vào việc phát triển, tích hợp các công nghệ mới cho cuộc sống. Theo ông, Hà Nội có nên “bắt tay” với lực lượng này vào phát triển cũng như ứng dụng AI cho Thủ đô?

GS. Hồ Tú Bảo: Để trả lời câu hỏi này chúng ta hãy lấy ví dụ về trường hợp của TP Hồ Chí Minh. Trong các chương trình chuyển đổi số của mình, trong đó có cả về AI thì TP Hồ Chí Minh luôn phối hợp chặt chẽ với trường, viện có chuyên môn trong cùng lĩnh vực. Trong các Tổ công tác về chuyển đổi số hay Hội đồng tư vấn về Trí tuệ nhân tạo của Thành phố này phải có đến 1/3 là đại diện các trường, viện. Điều rất ít thấy ở Hà Nội.

Ở thời điểm này, công nghệ nói chung và AI nói riêng thay đổi rất nhanh, thậm chí là tính theo hàng giờ. Nguồn lực chất lượng cao đến từ các trường, viện sẽ giúp theo sát được quá trình thay đổi này rõ ràng và nhanh chóng hơn. Do đó Hà Nội cần tận dụng triệt để nguồn lực quan trọng này trong chuyển đổi số cũng như phát triển và tích hợp AI.

Có một thực tế nếu nói về công nghệ AI ở Việt Nam, ngoài doanh nghiệp thì các trường Đại học, Viện nghiên cứu đang nắm rõ ràng nhất, cả về nghiên cứu lẫn ứng dụng. Hà Nội cần chú ý tới điều này.

Vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô, trong đó tạo cơ chế rất lớn cho Hà Nội phát triển các công nghệ mới. Theo ông đây có phải là cơ hội để Thành phố đẩy mạnh ứng dụng AI ?

GS. Hồ Tú Bảo: Cần khẳng định Luật Thủ đô được thông qua là rất kịp thời và cần thiết cho sự phát triển của Hà Nội trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khoa học - công nghệ. Điều này thể hiện rất rõ ràng qua cơ chế đặt hàng của chính quyền Hà Nội với các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực này.

Ở các nước, nói về nghiên cứu khoa học - công nghệ sẽ có 3 loại: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu phát triển. Như ở Mỹ hay Nhật thì phải chiếm đến 60% là nghiên cứu phát triển và chủ yếu là do doanh nghiệp làm. Còn nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng chỉ chiếm dưới 40%. Tuy nhiên ở Việt Nam lại hoàn toàn ngược lại khi nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng lại chiếm khoảng 90%.

Cần lưu ý, ở nước ngoài, lĩnh vực nghiên cứu phát triển đều để làm ra được ra sản phẩm đều là do doanh nghiệp đặt hàng cho giới khoa học. Do đó, với Luật Thủ đô, chính quyền Hà Nội cần đóng vai trò của một doanh nghiệp để đặt hàng các cho giới nghiên cứu nhằm đẩy mạnh nghiên cứu phát triển.

Tuy nhiên hình thức đặt hàng không phải giống như ngày xưa, ai nghĩ ra cái gì thì làm cái đó, mà cần có những Hội đồng để xác định rõ đâu là các vấn đề cần thiết, bức xúc của Thủ đô mà giới khoa học – công nghệ có thể giải quyết. Các Hội đồng này cũng có thể thay mặt Thành phố kêu gọi trường, viện, doanh nghiệp tham gia vào giải quyết các bài toàn phát triển cho Hà Nội.

Với việc Luật Thủ đô đã được thông qua và sắp có hiệu lực, tôi cho rằng Hà Nội có thể đẩy mạnh vấn đề đặt hàng này lên. Điều đó sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho Thủ đô phát triển khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI.

Xin cám ơn ông !