Hà Nội đào tạo nghề cho 235.000 người, gắn với giải quyết việc làm

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hà Nội đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu, đặt hàng của DN; tập trung đào tạo những ngành, nghề xã hội và thị trường có nhu cầu cao, gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội của TP và từng địa phương.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 73/KH-UBND triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024. Theo đó, UBND TP Hà Nội đặt ra chỉ tiêu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ thực hiện đào tạo cho 235.000 lượt người (cao đẳng 26.000 người, trung cấp 30.000 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 179.000 người). Hà Nội phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%; trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 54,0%.

Lớp học nghề của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
Lớp học nghề của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.

Để thực hiện đạt chỉ tiêu, Hà Nội đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như xây dựng, phát triển không gian truyền thông giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề; trong đó xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ học phí đối với học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP. TP Hà Nội tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2024, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận học sinh tại các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên để giới thiệu, tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp.

Để đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Hà Nội phát triển các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra của các nhà trường... Bên cạnh đó, thu hút và có cơ chế chính sách sử dụng lực lượng lao động có tay nghề cao trong các DN tham gia hoạt động đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Một giải pháp quan trọng được TP Hà Nội đưa ra là đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu, đặt hàng của DN. Hà Nội tập trung đào tạo đối với những ngành, nghề xã hội và thị trường có nhu cầu cao, gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội của TP và từng địa phương. Cũng như tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa: Nhà nước – Nhà trường – DN trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh sự tham gia của các DN vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Qua đó để tạo sự liên kết giữa người lao động, DN và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm, tuyển dụng và sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.

TP Hà Nội triển khai thực hiện đầu tư 4 trường cao đẳng công lập thuộc TP trở thành trường chất lượng cao theo tiêu chí được quy định tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020” đối với một số nghề trọng điểm đề nghị được đầu tư. Cụ thể là Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Và đầu tư trang thiết bị đào tạo các ngành nghề trọng điểm theo các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia đối với 16 trường đã được Bộ LĐTB&XH phê duyệt, lựa chọn.