Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội ghi nhận 9 ca mắc ho gà

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ ngày 16/2 đến 1/3, Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc ho gà. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 9 ca mắc ho gà.

Tuy nhiên, theo CDC Hà Nội, qua khai thác bệnh sử, đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh.

Trong đó, có bé gái 5 tuần tuổi (ở Phúc Thọ, Hà Nội) khởi phát bệnh với triệu chứng ho từng cơn, khò khè. Sau đó, ho tăng dần, cơn ho kéo dài 2-3 phút và sau ho xuất hiện hiện tượng tím tái, toát mồ hôi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với ho gà. Trường hợp này chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Tương tự, bé trai 5 tuần tuổi (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng chưa tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Bệnh nhi khởi phát bệnh với triệu chứng ho rũ rượi, nhiều đờm, sốt nhẹ và kết quả dương tính với ho gà.

Cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch.
Cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và có thể có cả người lớn khi chưa có miễn dịch phòng bệnh. Do ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức, nhất là ở trẻ sơ sinh bởi sức đề kháng còn yếu chưa đủ để chống lại bệnh.

Bệnh thường gây ra tình trạng thiếu ôxy cho cơ thể dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu ôxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Thiếu niên và người lớn cũng có thể bị biến chứng do bệnh ho gà. Biến chứng thường ít nghiêm trọng hơn ở những lứa tuổi này, đặc biệt với những người đã được tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Biến chứng ở thiếu niên và người lớn thường gây ra bởi bản thân các cơn ho.

Viêm phổi là biến chứng cần được lưu ý. Các biến chứng phổ biến nhất của một nghiên cứu khác ở người lớn mắc bệnh ho gà là: Sút cân (33%), mất kiểm soát bàng quang (28%), bất tỉnh (6%), gẫy xương sườn do ho nặng (4%)...

Vì ho gà rất dễ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi, và khả năng lây truyền rất cao đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian như hộ gia đình, trường học…

Qua đó, ngành y tế khuyến cáo, bên cạnh việc tiêm phòng cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp khác như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Phụ huynh hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà. Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch.