Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: kỳ khảo sát lớp 11, 12 mang đến nhiều giá trị cho giáo viên

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức thành công 2 kỳ khảo sát năm học 2023 – 2024 đối với học sinh lớp 11 và lớp 12 trên toàn thành phố. Kỳ khảo sát mang tính chất tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT này không chỉ có ý nghĩa với học sinh mà còn với cả giáo viên.

Tập dượt cho công tác làm thi

Kỳ khảo sát đối với học sinh lớp 11 và lớp 12 là điểm nhấn của ngành giáo dục Thủ đô; trong đó khảo sát với học sinh lớp 12 được tổ chức định kỳ từ nhiều năm nay còn khảo sát lớp 11 là năm đầu tiên thực hiện.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông làm bài khảo sát (Ảnh: Nam Du)
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông làm bài khảo sát (Ảnh: Nam Du).

Tại mỗi điểm thi, công tác làm thi được tiến hành bài bản, nghiêm túc theo quy chế của Bộ GD&ĐT như: niêm yết rõ thời gian khảo sát với từng môn, hiệu lệnh trống, sơ đồ phòng khảo sát, quy định phù hiệu của cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác phục vụ khảo sát; quy định về thời gian làm bài, vật dụng không được phép mang vào phòng thi…

Bên ngoài phòng có niêm yết số báo danh, quy chế kỳ khảo sát, các cán bộ giám sát làm việc nghiêm túc, đúng trách nhiệm được phân công. Trong mỗi phòng thi có 2 cán bộ coi thi, học sinh được gọi vào phòng ngồi đúng vị trí.

Trình tự thời gian, các phần việc của cán bộ làm công tác phục vụ tại mỗi buổi khảo sát đều thực hiện theo quy định với các nội dung: phân công cán bô coi thi, nhận giấy thi, giấy nháp và túi tài liệu của phòng thị, gọi thí sinh vào phòng,…

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông Nguyễn Gia Khánh, kỳ khảo sát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cán bộ, giáo viên trong việc tập dượt công tác làm thi. Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, điểm khảo sát Trường THPT Lê Quý Đôn đã tổ chức quán triệt rõ toàn bộ quy chế thi; nhắc giáo viên làm công tác coi thi tuyệt đối không mang tư trang vào phòng thi; lưu ý rõ về cách phát đề, thu bài thi, nhất là môn tổ hợp theo đúng hướng dẫn.

Kỳ khảo sát cũng giúp trưởng các điểm thi nắm bắt được cơ sở vật chất tổng quát của điểm thi; từ đó bố trí điều kiện, vật dụng, sắp xếp phòng thi phù hợp để các cán bộ coi thi thực hiện tốt nhất nhiệm vụ.

Cô Chu Thị Dàng – giáo viên có kinh nghiệm hơn 20 năm làm công tác coi thi cho rằng, việc tổ chức khảo sát của Sở là cơ hội cho cô và các đồng nghiệp, trong đó có các đồng nghiệp trẻ được tập huấn và thực hành nghiệp vụ làm thi. Kỳ khảo sát cũng là lời nhắc nhở các giáo viên học tập, nhớ rõ quy chế thi, lưu tâm những điểm mới của quy chế để không được chủ quan trong bất cứ tình huống nào.

Điều chỉnh cách thức dạy học

Kỳ khảo sát lớp 12 tại Hà Nội được tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 hơn 2 tháng. Căn cứ kết quả khảo sát này, các nhà trường xác định năng lực thực tiễn của học sinh ở từng môn, từ đó có giải pháp, cách thức cụ thể, phù hợp từng đối tượng học sinh, giúp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với học sinh lớp 11, kỳ khảo sát giúp giáo viên định hướng cách dạy học cho học sinh theo cấu trúc đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Kỳ khảo sát là đợt tập dượt thi tốt nghiệp THPT cho cả thầy và trò
Kỳ khảo sát là đợt tập dượt thi tốt nghiệp THPT cho cả thầy và trò

Nhà giáo Hoàng Chí Sỹ, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa chia sẻ: năm học 2023 – 2024, trường có 320 học sinh lớp 11 và 288 học sinh lớp 12 tham gia khảo sát. Kỳ khảo sát giúp giáo viên rà soát được những điểm yếu của học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, phân loại, ôn luyện cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp. Với học sinh lớp 11, các thầy cô sẽ xây dựng kế hoạch, cách thức để vừa dạy học vừa hướng dẫn học sinh làm quen với cấu trúc đề thi và cách thức làm bài thi trắc nghiệm.

“Kỳ khảo sát giúp giáo viên trẻ tập dượt cách làm thi và giáo viên nói chung nắm bắt được tình hình học tập của học sinh; là cơ sở điều chỉnh phương pháp dạy học và ôn tập cho các em…”, cô Hán Thị Thu Phương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Chương Mỹ cho biết.

Đánh giá ý nghĩa của kỳ khảo sát với học sinh nhà trường, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Xuyên A – huyện Phú Xuyên Lê Văn Dũng bày tỏ, từ kết quả khảo sát, các tổ nhóm chuyên môn của trường sẽ thành lập các lớp ôn tập theo môn, phân công giáo viên phù hợp để kèm cặp kiến thức cho học sinh; quan tâm đến nhóm học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Hà Nội là 99,56%; tăng 0,27% so với năm học trước, tăng 11 bậc trong xếp loại toàn quốc (từ xếp thứ 27 xuống vị trí 16); điểm thi tốt nghiệp cũng có mức tăng đáng kể; tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: nhiều đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp hơn mức trung bình thành phố, có những trường không có sự chuyển biến về chất lượng qua từng năm…

Tiếp tục đặt mục tiêu cải thiện thứ hạng, nâng phổ điểm, bảo đảm đồng đều giữa các môn thi tốt nghiệp, sau kỳ khảo sát lớp 11 và lớp 12, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các nhà trường chủ động sắp xếp chương trình, kế hoạch dạy học học phù hợp; thành lập nhóm chuyên môn giữa các cụm, giữa các trường trong cụm, trong thành phố chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu; đánh giá đúng thực lực học sinh để tổ chức các lớp ôn tập; thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh trong việc đăng ký, lựa chọn môn thi tốt nghiệp...

 

Kỳ khảo sát với học sinh lớp 11 tổ chức ngày 12/3 với 2 bài thi bắt buộc: toán, ngữ văn; tổng quy mô thí sinh là hơn 100.000.

Kỳ khảo sát với học sinh lớp 12 tổ chức ngày 5 – 6/4 với 5 bài thi: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Toàn thành phố có hơn 116.000 học sinh tham gia dự khảo sát; tổ chức theo 16 cụm, 273 điểm thi, 4.850 phòng thi và huy động 12.125 giáo viên tham gia công tác coi thi và giám sát.

Bài khảo sát môn ngữ văn theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan.