Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Nâng chất lượng môi trường sống bằng việc làm cụ thể

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn Hà Nội luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ bức thiết, được chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, từ đầu năm 2016 tới nay, hàng loạt dự án (DA) góp phần lớn vào việc cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.
Những kết quả bước đầu
Trước hết, Chương trình trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020 nhận được sự đồng tình ủng hộ rất lớn của Nhân dân, sự tham gia của nhiều địa phương, DN. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, đến nay, hàng vạn cây xanh đã được trồng trên các tuyến đường mới mở. Riêng 7 tháng của năm nay, toàn TP đã trồng được 138.600 cây bóng mát. Nhiều công viên đã được khởi công xây dựng và sắp hoàn thành tạo ra những “lá phổi xanh” cho TP như  Khu công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, Công viên Kim Quy tại huyện Đông Anh, Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm...
Cùng với đó, UBND TP Hà Nội đã khởi công DA hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD, tương đương 16.200 tỷ đồng. Đây là DA được kỳ vọng sẽ làm “sống lại” các con sông như Tô Lịch, Lừ, Sét và một phần sông Nhuệ vốn nổi tiếng ô nhiễm từ lâu.

Hàng cây xanh được trồng trên phố Xã Đàn.  Ảnh:  Thanh Hải

Công tác cải tạo môi trường hệ thống hồ của Hà Nội cũng đạt được những kết quả khả quan. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 85/122 hồ khu vực nội thành được xử lý ô nhiễm, hết quý I/2017 đã có 44/85 hồ khu vực ngoại thành được làm sạch. Hệ thống 1.000 nhà vệ sinh công cộng hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh cũng đã được TP triển khai. Không những thế, Hà Nội đã mua công nghệ lọc nước của Đức và đã thử nghiệm thành công. Hiện nay, TP đang hợp tác với Đức để cho ra đời một công nghệ lọc nước cho phép uống nước ngay tại vòi theo tiêu chuẩn châu Âu. Công tác nâng cao chất lượng VSMT, trong đó đổi mới công nghệ thu gom rác thải theo hướng cơ giới hóa cũng được lãnh đạo TP chỉ đạo quyết liệt nhằm từng bước hướng đến một Thủ đô văn minh, sạch đẹp sánh ngang với các nước phát triển trong khu vực. Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Nguyễn Hữu Tiến cho biết, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng tăng cường cơ giới hóa hiện đạt 80% tại địa bàn các quận và khoảng 30% địa bàn các huyện.
Triển khai từng việc cụ thể
Từ thực tiễn triển khai thực hiện, lãnh đạo TP cho rằng kết quả đạt được về công tác BVMT dù có chuyển biến tích cực, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đánh giá hiện trạng môi trường Thủ đô, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, TP vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Đó là ô nhiễm không khí; ô nhiễm nước mặt trong các hồ đô thị, sông và kênh thoát nước, ô nhiễm nước ngầm; ô nhiễm chất thải rắn, rác thải sinh hoạt không phân loại tại các đô thị; ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư nông thôn… Nhằm khắc phục những hạn chế, tạo ra những bước chuyển biến căn bản trong công tác BVMT, tháng 5/2017, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, tất cả các cấp, ngành TP đã khẩn trương vào cuộc xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch với 8 nội dung quan trọng thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý là tập trung mở rộng khu vực, nâng cao dịch vụ cấp nước sạch cho cả vùng đô thị lẫn nông thôn trên địa bàn TP. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa cải tạo hồ, phấn đấu đến năm 2020 cải thiện môi trường nước tất cả các hồ trong khu vực nội và ngoại thành đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp tập trung, phấn đấu đến năm 2020 nước thải công nghiệp được xử lý đạt 100%. Ưu tiên nguồn lực đảm bảo đến hết năm 2020 hoàn thành các DA thoát nước, xử lý nước thải đạt khoảng 50 - 60% công suất. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, mục tiêu đến năm 2020 sẽ đóng cửa hoàn toàn các lò đốt chất thải rắn y tế, chuyển sang xử lý theo mô hình tập trung đảm bảo chất thải y tế được xử lý đúng quy định để BVMT...
Để từng bước cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô, TP đã yêu cầu các cấp, ngành có liên quan thực hiện các biện pháp tổng thể, trong đó, đặc biệt chú trọng việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải y tế đảm bảo tỷ lệ thu gom và xử lý đạt 100%. Đối với chất thải xây dựng, cần giám sát chặt việc vận chuyển và thu gom, đặc biệt phải yêu cầu chủ các công trình xây dựng phải xuất trình hợp đồng vận chuyển, nghiền chất thải xây dựng khi giải quyết các hồ sơ xin phép xây dựng. UBND các quận, huyện, thị xã giám sát đơn vị thực hiện duy trì VSMT đô thị đảm bảo thu gom, vận chuyển rác thải đúng vị trí, đúng giờ quy định; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội vận động, tuyên truyền Nhân dân ý thức đảm bảo VSMT, tiến tới phân loại rác từ gia đình. Đặc biệt vận động, khuyến khích người dân có nhà mặt phố trồng hoa ở ban công tạo cảnh quan đẹp cho tuyến phố...
Để triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy về công tác BVMT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch thật cụ thể, xác định BVMT là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng DN và Nhân dân Thủ đô.