Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

Trần Long- Thủy Tiên. Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 2/11, tại Hội nghị lần thứ 9, BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP, đến nay, kinh tế số, xã hội số của Thủ đô đang phát triển khá mạnh mẽ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 trên toàn quốc, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%...

Việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn TP đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước, Đề án được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần thay đổi phương thức quản trị xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân.

Tuy nhiên, dữ liệu số chưa được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, việc phân tích dữ liệu thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành chưa được triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khối Đảng, đoàn thể TP còn hạn chế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Năng lực chuyển đổi sổ của doanh nghiệp còn yếu; chuyển đổi số trong hầu hết các ngành, lĩnh vực còn chậm so với nhu cầu của xã hội…

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng có một phần do cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến chuyển đổi số; chưa sẵn sàng đối mới về tư duy và hành động trong tiếp cận và thực hiện dẫn đến việc xây dựng chính sách và triển khai chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa chủ động, chưa đáp úng yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.

Để nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, Nhân dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô, việc ban hành Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Nội dung của dự thảo Nghị quyết có một số điểm chính: Chuyển đổi số (CĐS), xây dựng TP Hà Nội thông minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị của Thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để CĐS, xây dựng TP Hà Nội thông minh; tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh.

Đảm bảo thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch phát triển đô thị đến áp dụng các quy định, quy chế, tiêu chuẩn trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu. Ưu tiên CĐS, xây dựng thành phố thông minh đối với những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo Nghị quyết đã xác định mục tiêu: Đến năm 2025, thực hiện CĐS phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS.

Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế, xã hội.

Về dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với Thủ đô Hà Nội, tại Nghị quyết 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định “thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế gắn với dịch chuyển cơ cấu lao động” là một trong những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII xác định “đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại”.

Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân; cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư xứng tầm của TP cho lĩnh vực này.

Để Nghị quyết được triển khai thực hiện hiệu quả, khả thi và sớm đi vào cuộc sống, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ, tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về kết cấu, nội dung Nghị quyết đảm bảo bao quát đầy đủ và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng của Trung ương, phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu cụ thể của TP. Nhất là về quan điểm, mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo Nghị quyết; bảo đảm tính khả thi, tính hiệu quả, an toàn, đồng bộ và thông suốt trong quá trình tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị của TP; hướng tới phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân và xã hội.