Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẵn sàng ứng phó nguy cơ lũ rừng ngang

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngập lụt không còn là hiện tượng hiếm gặp trên địa bàn Hà Nội. Lịch sử từng ghi nhận các trận lũ lớn trên sông Tích, sông Bùi xảy ra vào các năm 1971, 1985, 2008. Gần đây nhất vào năm 2018, mức lũ đã lên tới 7,51m - vượt ngưỡng lịch sử từng được ghi nhận.

Nạo vét cải tạo lòng dẫn sông Bùi đoạn qua huyện Chương Mỹ. Ảnh: Tùng Nguyễn
Ba huyện tiềm ẩn nguy cơ
Người dân nhiều địa phương thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai hẳn chưa quên ký ức về trận lụt lớn xảy ra vào năm 2018. Mưa lũ lớn đã làm tràn vỡ đê, gây ngập lụt kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm hộ dân thuộc vùng sông Tích, sông Bùi.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng ngập lụt không chỉ đến từ mưa lớn mà còn do hiện tượng lũ rừng ngang đổ về từ các tỉnh lân cận, trọng tâm là Hòa Bình. Các chuyên gia nhận định, tại những vùng, lưu vực xuất hiện mưa lớn tập trung với cường độ từ 100mm trở lên, kéo dài trong vòng 10 giờ, thậm chí là ngắn hơn, sẽ có khả năng cao xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang.

Đáng lo ngại, kết quả rà soát, đánh giá mới đây cho thấy, 3 huyện trên địa bàn Hà Nội có khả năng cao xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang. Cụ thể là tại các xã: An Phú, Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức); các địa phương miền núi thuộc huyện Ba Vì gồm: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài.

Đặc biêt, vùng hữu Bùi thuộc huyện Chương Mỹ là khu vực có nhiều địa phương tiềm ẩn nguy cơ bị ngập lụt khi có mưa lớn. Trong đó, khả năng cao lũ quét, lũ rừng ngang có thể xảy ra tại các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú, Mỹ Lương, Đồng Lạc và thị trấn Xuân Mai.

Dự trữ hàng hóa cứu trợ khẩn cấp

Để chủ động ứng phó với lũ quét, lũ rừng ngang, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng phương án ứng phó lũ lớn trên khu vực sông Bùi, sông Tích. Vừa qua, phương án đã được UBND TP phê duyệt. Theo đó, Hà Nội đề nghị các địa phương đặc biệt lưu ý xây dựng phương án sơ tán người dân khi xuất hiện mưa tập trung với cường độ lớn trong thời gian ngắn.

Trong trường hợp có mưa lớn, nhiệm vụ tiên quyết đặt ra là tập trung sơ tán Nhân dân vùng ven sông, ven suối đến vị trí trú tránh an toàn. Thời gian xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang thường nhanh, bất ngờ và có thể kèm theo nguy cơ sạt lở đất. Chính vì vậy, việc triển khai các phương án được TP nhấn mạnh là cần hết sức khẩn trương.

Trước diễn biến thiên tai ngày một bất thường, UBND TP cũng đã xây dựng phương án cứu trợ khẩn cấp nhằm bảo đảm đời sống cho người dân khi có sự cố, thiên tai, đặc biệt là lũ quét, lũ rừng ngang. Theo đó, TP đã giao các sở ngành, địa phương tổ chức hướng dẫn các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia chương trình dự trữ hàng hóa cứu trợ khẩn cấp.

Tổng khối lượng hàng hóa dự trữ theo phương án được xây dựng có thể bảo đảm cung ứng cho 250.000 người dân trong 7 ngày liên tục. Ước tính tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng 96,3 tỷ đồng. Mục tiêu là bảo đảm các điều kiện cơ bản nhất cho cuộc sống của người dân vùng ảnh hưởng thiên tai trong trường hợp khẩn cấp.
Trên thực tế, TP từng ghi nhận những trận mưa lớn gây lũ lụt mà không được dự báo trước. Do đó, tại những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền cho người dân những kiến thức cần thiết để chủ động cảnh giác, sẵn sàng các phương án ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ