Thực tế cho thấy, trước diễn biễn phức tạp của dịch Covid-19, các ca lây nhiễm tăng nhanh, các khu vực cách ly đã hình thành với khối lượng chất thải phát sinh ngày càng tăng (có cả chất thải lây nhiễm). Do vậy, để đảm bảo an toàn môi trường, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh trên địa bàn TP, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch, Sở TN&MT Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn TP tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý chất thải theo đúng văn bản hướng dẫn của Sở TN&MT.
Trong công tác phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải cần đặc biệt lưu ý, đối với cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung: Chất thải của người mắc và nghi ngờ mắc Covid-19 việc phân loại, xử lý đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 của Bộ Y tế và các hướng dẫn của Sở Y tế.
Đối với chất thải như khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng, rác thải sinh hoạt phát sinh của các trường hợp cách ly khác (không phải người mắc và nghi ngờ mắc Covid-19) đã được Sở TN&MT hướng dẫn tại các văn bản số 2024/STNMT-CCBVMT ngày 18/3/2020 và số 3442/STNMT-CCBVMT ngày 17/5/2021.
Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 phải thực hiện bởi các cơ sở xử lý chất thải đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại và có chức năng xử lý chất thải y tế, ưu tiên lựa chọn cơ sở xử lý có khoảng cách thu gom, vận chuyển ngắn nhất từ nơi phát sinh đến cơ sở y tế.
Với cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú, việc quản lý chất thải của người cách ly xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 phải thực hiện như đối với trường hợp mắc và nghi ngờ mắc Covid-19 tại khu cách ly, phòng cách ly tại cơ sở cách ly tập trung.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã cần tăng cường thực hiện, trong đó, để đảm bảo an toàn môi trường phòng chống dịch Covid-19 và tránh gây lãng phí ngân sách trong việc xử lý chất thải. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn tăng cường hướng dẫn các khu cách ly tập trung, người cách ly y tế tại nhà nghiêm túc thực hiện phân loại chất thải triệt để, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định.
Đồng thời, tăng cường tổ chức, kiểm tra, giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 tại địa phương nhằm đảm bảo thực hiện quy định của Bộ Y tế và Bộ TN&MT quy định về quản lý chất thải y tế… Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị để lẫn chất thải y tế, đặc biệt chất thải y tế lây nhiễm vào chất thải rắn sinh hoạt.
Yêu cầu các khu vực cách ly tập trung phải chuyển giao chất thải nguy hại lây nhiễm cho cơ sở xử lý như đã hướng dẫn. Phối hợp với các cơ sở xử lý chất thải lập phương án cụ thể về số lượng phát sinh, địa điểm phát sinh để có phương án thu gom, vận chuyển đảm bảo về thời gian, tuyến đường vận chuyển, tránh phát tán mầm bệnh
Các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm phải tích cực phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh dịch bệnh Covid-19 khi có yêu cầu theo phạm vi hoạt động đã được cấp phép đảm bảo đúng chủng loại, công xuất xử lý chất thải đã được cấp phép.
Bên cạnh đó, cung cấp đầy đủ túi đựng chất thải lây nhiễm, thiết bị thu gom, phân loại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho người cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Bố trí đầy đủ trang thiết bị, bảo hộ lao động cho nhân viên làm công tác thu gom, vận chuyển chất thải lây nhiễm. Phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã trong việc hướng dẫn phân loại chất thải, kịp thời báo cáo UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý các trường hợp không phân loại và lưu giữ chất thải phát sinh theo quy định.