Hà Nội: Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác thả cá giống được ngành nông nghiệp Hà Nội tổ chức hàng năm trên các sông, hồ lớn như: Sông Hồng, sông Đáy, sông Tích, hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh... với nhiều loài có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn cao như: Cá chày mắt đỏ, cá trắm đen, cá ngạnh...

Ngày 29/7, tại xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín), Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản và Hội nghị về công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022.

Thả hàng vạn con cá giống ra sông, hồ tự nhiên

Tại bến đò xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín), các đại biểu và người dân tại địa phương đã tiến hành thả 11.000 con cá giống các loài, gồm: 1.200 con lăng chấm, 1.000 con cá ngạnh, 8.000 con cá chép, 800 cá trắm đen ra sông Hồng.

Các đại biểu và người dân thả cá giống ra sông Hồng tại bến đò xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín). Ảnh: Ánh Ngọc 
Các đại biểu và người dân thả cá giống ra sông Hồng tại bến đò xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín). Ảnh: Ánh Ngọc 

Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản được tổ chức với mục đích phục hồi, tái tạo các loài cá bản địa, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; kết hợp thả các loài cá kinh tế nhằm tăng năng suất và sản lượng khai thác, góp phần ổn định sinh kế, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư, đồng thời nâng cao hiệu quả của hoạt động phóng sinh các giống loài thủy sản.

Các loài cá được thả là những loài bản địa có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn cao như: Cá lăng chấm, cá trắm đen, cá ngạnh và cá chép. Ảnh: Ánh Ngọc 
Các loài cá được thả là những loài bản địa có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn cao như: Cá lăng chấm, cá trắm đen, cá ngạnh và cá chép. Ảnh: Ánh Ngọc 

Đây cũng hoạt động trọng tâm của ngành nông nghiệp Hà Nội nhằm tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản. Từ đó, cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phóng sinh các giống loài thủy sản một cách có trách nhiệm góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản cho hôm nay và cho thế hệ mai sau.

Người dân hăng hái tham gia thả cá giống về môi trường tự nhiên. Ảnh: Ánh Ngọc
Người dân hăng hái tham gia thả cá giống về môi trường tự nhiên. Ảnh: Ánh Ngọc

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn, 6 tháng đầu năm 2022, Chi cục đã phối hợp với các xã Phong Vân, Cổ Đô (huyện Ba Vì); xã Thủy Xuân Tiên, Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ); xã Hương Sơn, Đốc Tín (Mỹ Đức) thả cá tái tạo nguồn lợi. Các loài cá được thả gồm: Cá chày mắt đỏ, cá lăng chấm, cá ngạnh, cá trắm đen và cá chép tại sông Tích, sông Bùi, sông Đà, sông Hồng, sông Đáy và suối Yến.

Bên cạnh đó, Chi cục đã hối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội thực hiện thả cá phóng sinh tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên). Ngoài ra, Chi cục còn tiến hành xây dựng và phổ biến tài liệu hướng dẫn kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại như: Ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm hùm nước ngọt, cá tỳ bà… cho 26 xã trên địa bàn TP.

Chi cục đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, hiện đã tổng hợp ý kiến các sở, ngành TP trước khi trình UBND TP xem xét phê duyệt.

Huy động xã hội hóa tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Nội có tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS) là 30.840ha (ao, hồ nhỏ: 6.706ha; hồ chứa mặt nước lớn: 4.327ha; ruộng trũng: 19.807ha). Bên cạnh đó còn có nhiều sông như lớn như: sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi… chảy qua có thể cho người dân nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thả cá giống ra sông Hồng. Ảnh: Ánh Ngọc 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thả cá giống ra sông Hồng. Ảnh: Ánh Ngọc 

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, sự phối hợp của các ngành liên quan, trên địa bàn TP đã hình thành những vùng NTTS tập trung quy mô lớn tại huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì...

Các hộ phát triển NTTS theo hướng thâm canh, bán thâm canh mở rộng quy mô và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất sản lượng thủy sản đều tăng qua các năm. Năm 2021 diện tích đưa vào NTTS trên địa bàn TP đạt 24.000 ha, tổng sản lượng đạt 117.700 tấn (sản lượng tăng 2,9 % so với năm 2020). Sản lượng cá giống đạt 1.350 triệu cá bột các loại.

Tuy nhiên, những loài thủy sản sống trong tự nhiên trên các hệ thống sông, hồ, kênh mương, ruộng trũng… lại đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và sản lượng.

Nguyên nhân là do tình trạng môi trường nước ao, hồ, sông, kênh mương bị ô nhiễm; các loại thuốc, hóa chất dùng trong nông nghiệp gây ra đã tác động xấu tới sự sinh sản, phát triển của các loài thủy sản. Cùng với đó vẫn xảy ra hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bằng kích điện, sử dụng lưới kích cỡ không đúng quy định.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đánh giá cao sự phối hợp của Chi cục Thủy sản Hà Nội với Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức hiệu quả hoạt động thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Cùng với đó là tuyên truyền sâu rộng đến Nhân dân nhằm nâng cao ý thức trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống. Nhờ vậy, thời gian qua, Hà Nội đã thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các hệ thống sông, hồ với lượng cá giống được thả trung bình mỗi năm từ 1 - 2 tấn.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ánh Ngọc
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ánh Ngọc

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị Chi cục Thủy sản Hà Nội trong thời gian tới cần tập trung hơn nữa vào công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân; vận động sự tham gia của các cấp, các ngành, sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, các tăng ni, phật tử trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Đặc biệt, Chi cục cần chú trọng thực hiện việc bảo tồn, tái tạo và phát triển các loài thủy sản quý hiếm, đặc trưng trên địa bàn TP; phát triển NTTS ở các khu vực tiềm năng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.   

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần