Trải qua 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn Hà Nội đã khẳng định hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của NHCSXH TP Hà Nội nói riêng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện của Thành ủy, HĐND, UBND TP, Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP và của NHCSXH Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh nhận ủy thác, đặc biệt là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Cho đến nay, 100% cấp ủy, Chính quyền địa phương của TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị, Thông tư, Kế hoạch triển khai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc mạnh mẽ, nhất là trong hoạt động: Tạo lập nguồn vốn, xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, phương tiện làm việc…; tuyên truyền chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã hội, hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung giao dịch tại các điểm giao dịch lưu động của NHCSXH tại các cấp xã, phường, thị trấn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong những năm qua, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, sau 3 năm thực hiện, TP đã chuyển bổ sung 508 tỷ đồng để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Ngoài ra, TP cũng đã có Quyết định số 6335/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 bổ sung 250 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ cho vay phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
TP Hà Nội đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, chỉ đạo triển khai mô hình quản lý tín dụng chính sách chặt chẽ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; tổ chức hiệu quả mạng lưới hoạt động với sự hình thành của 7.500 tổ tiết kiệm vay vốn, 561 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, qua đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi, kịp thời.
Nhờ những nguồn vốn này, đến nay, trên địa bàn Hà Nội đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đến nay đạt 6.128 tỷ đồng, tăng 5.794 tỷ đồng, gấp 18 lần so với dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 24% với trên 287 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ; dư nợ bình quân là 21 triệu đồng/hộ, tăng 19 triệu đồng/hộ so với khi thành lập. Chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ giảm từ 3,83% thời điểm mới thành lập xuống còn 0,07% tại thời điểm 30/9/2017.
Tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP trong từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn TP giảm từ 6,09% xuống còn 1,5% và theo chuẩn Trung ương giảm từ 4,97% xuống còn 0,27%; giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của TP giảm từ 3,64% đầu năm 2016 (đầu giai đoạn) xuống còn 2,37% vào cuối năm 2016.
“Phát huy kết quả đạt được giai đoạn 2002 - 2017, trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Chi nhánh NHCS XH TP, nhất là trong việc cân đối Ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng Chính sách”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chia sẻ.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung, đại diện UBND TP kiến nghị, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan sớm ưu tiên bố trí vốn triển khai chương trình cho vay ưu đãi để mua, cho thuê nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 20/5/2015 của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan xem xét, điều chỉnh nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 6 triệu đồng/công trình lên 12 triệu đồng/công trình đảm bảo phù hợp tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.