Tập trung nhiều khu công nghiệp
Hà Tĩnh có Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Khu công nghiệp Gia Lách và nhiều khu, cụm công nghiệp sản xuất đa dạng các ngành nghề, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.
Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, đến nay các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút 190 dự án đầu tư. Trong đó, riêng khu kinh tế Vũng Áng có 153 dự án, trong đó 56 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 97 dự án đầu tư trong nước.
Hiện nay, nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động, có sản phẩm tiêu thụ ra thị trường như: Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Tổng kho xăng dầu Dầu khí Vũng Áng, Tổng kho khí hoá lỏng Bắc Trung bộ… Tại các dự án phát triển công nghiệp, công tác kiểm soát môi trường được chú trọng, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với môi trường.
Chú trọng bảo vệ môi trường
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đình Hà- Tưởng phòng Quản lý tài nguyên và môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư về việc tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.
“Hiện nay, tại các nhà máy lớn đang duy trì vận hành hệ thống quan trắc tự động khí thải, nước thải. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường tại các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm; thanh lọc, hạn chế tối đa các công nghệ lạc hậu, phát sinh chất thải độc hại, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đảm bảo thân thiện với môi trường”, ông Dương Đình Hà chia sẻ.
Qua tìm hiểu được biết, đến nay các khu kinh tế và khu công nghiệp ở tỉnh Hà Tĩnh có 1.421 doanh nghiệp đang hoạt động. Ngoài ra, tại các cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, Cụm công nghiệp Đức Thọ, Cụm công nghiệp Cổng Khánh…đã và đang thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
“Để sản xuất kinh doanh bền vững, đơn vị chú trọng thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường. Duy trì quan trắc định kỳ, tuân thủ các biện pháp sản xuất tuần hoàn, khép kín, nâng cao hiệu quả vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động cho công nhân”, ông Phạm Ngọc Thắng- Giám đốc Công ty TNHH Bê tông Hồng Lĩnh thông tin.
Tỉnh Hà Tĩnh đang trên đà phát triển. Theo đó, công tác xúc tiến đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là ưu tiên những dự án ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hiện đại. Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo hài hòa thân thiện với môi trường.
Ngành chủ lực được tỉnh xác định đó là sản xuất thép và chế tạo các sản phẩm từ thép; sản xuất điện; chế biến nông, lâm, thủy sản; dệt may; vật liệu xây dựng chất lượng cao và các ngành công nghiệp có tiềm năng khác. Trong phát triển công nghiệp, tỉnh chú trọng gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Tại buổi làm việc với phóng viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh Trần Việt Hà cho biết, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng lớn, thực hiện đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
“Trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tỉnh chú trọng thực hiện theo xu hướng, mô hình “hệ sinh thái công nghiệp”. Phát triển công nghiệp gắn với xây dựng đô thị, dịch vụ và những lợi ích thiết thực của doanh nghiệp, công nhân, người lao động. Trong đó vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm chú trọng, đảm bảo phát triển công nghiệp hài hòa, bền vững”, ông Trần Việt Hà thông tin.