Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai câu hỏi lớn về tình hình Afghanistan lúc này

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Tổng thống Afghanistan phải chạy khỏi đất nước và nhóm phiến quân Hồi giáo Taliban tiến vào thủ đô Kabul để nắm quyền kiểm soát toàn bộ quốc gia, thế giới ngỡ ngàng với những câu hỏi lớn về quốc gia Nam Á bị chiến tranh tàn phá này.

Tại sao quân chính phủ Afghanistan sụp đổ?
Trên thực tế, Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) chưa bao giờ cắt đứt "dây rốn" của mình đối với hoạt động hậu cần, hỗ trợ trên không và thu thập thông tin tình báo của Mỹ, mặc dù nhiệm vụ chính của lực lượng Mỹ tại nước này kể từ năm 2014 là chuẩn bị cho quân đội và cảnh sát quốc gia hoạt động độc lập. Thiếu những điều này một khi Mỹ và đồng minh rút quân, ANA lộ rõ hình hài "hổ giấy".
Trong 3 năm qua, lực lượng mặt đất của ANA đã tạo lập được một mạng lưới căn cứ và tiền đồn rộng lớn, nhưng phần lớn trong số này là được thừa hưởng từ người Mỹ. Những đơn vị này thường bị coi là có chất lượng thấp và tinh thần chiến đấu thậm chí còn thấp hơn. Họ có tỷ lệ đào ngũ rất cao, ngay cả khi không chịu áp lực của Taliban. Họ cũng hiếm khi được sử dụng trong các hoạt động tấn công, vì thường bị phá vỡ và tan rã trước hỏa lực.
Kabul chủ yếu phụ thuộc hoàn toàn vào Quân đoàn Biệt kích Quốc gia Afghanistan để chiếm lại các thị trấn quan trọng, bảo đảm các tuyến liên lạc trọng yếu và trấn giữ các vị trí phòng thủ đặc biệt. Các binh sĩ của lực lượng biệt kích này đều trải qua một chế độ huấn luyện nghiêm ngặt kéo dài 14 tuần, giống với chế độ huấn luyện của Lực lượng Biệt động và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Quân đoàn Biệt kích Quốc gia Afghanistan đã chịu gánh nặng lớn trong khoảng 5 năm trở lại đây. Một nghiên cứu năm 2017 của Bộ Quốc phòng cho thấy, một lực lượng 20.000 người trong quân số khoảng 300.000 quân thuộc lực lượng biệt kích chịu trách nhiệm tiến hành 70 - 80% các cuộc giao tranh thực sự trong nước.
Theo Tổng Thanh tra Đặc biệt của Chính phủ Mỹ về Tái thiết Afghanistan (SIGAR), số lượng nhiệm vụ được giao cho lực lượng biệt kích trong quý đầu tiên của năm 2021 gần gấp đôi so với quý cuối cùng của năm 2020. Kể từ giữa năm nay, lực lượng này bắt đầu chứng kiến những thất bại nặng nề, do kiệt sức và sự tan rã dần dần của các đơn vị hỗ trợ trong quân đội chính quy.
Không thể độc lập tiến hành các hoạt động quân sự thành công không phải là vấn đề duy nhất đối với quân đội Afghanistan. Giống như chính phủ ở Kabul, ANA cũng chìm trong tình trạng rối loạn chức năng, chia rẽ và hơn hết là tình trạng tham nhũng đục khoét. Theo số liệu của SIGAR, ít nhất 19 tỷ USD Mỹ đổ vào chiến trường Afghanistan đã bị thất thoát vì gian lận và lạm dụng trong năm 2020.
Anthony Cordesman, một nhà phân tích chiến lược người Mỹ, đã viết trong một báo cáo gần đây cho Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế: "Chính phủ ở Kabul bị chi phối bởi các nhà lãnh đạo quan tâm đến việc cạnh tranh quyền lực hơn là tương lai của quốc gia. Nó không thể phân phối hoặc sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ của mình, hầu hết trong số đó đến từ viện trợ của Mỹ và bên ngoài".
Trong hoàn cảnh đó, không khó hiểu khi đại đa số binh lính trong quân đội Afghanistan chiến đấu vì tiền lương, thay vì lòng yêu nước hay ý thức trách nhiệm đối với người dân hoặc chính phủ mà họ phục vụ.
Nhìn chung, tình trạng tồi tệ của chính phủ Afghanistan và các lực lượng an ninh phản ánh sai lầm ngay từ ban đầu của những người Mỹ đã đến quốc gia Nam Á với tham vọng nhằm xây dựng một nền dân chủ ở Afghanistan.
Đất nước này - như học giả người Anh Anatol Lieven đã viết - được phân chia ngang, dọc và đan chéo vào nhau "theo những cách rất khó hiểu": Có những căng thẳng và sự ngờ vực giữa người Pashtun và người Tajik - 2 nhóm sắc tộc lớn nhất - cũng như giữa 2 nhóm này và nhóm dân số nhỏ hơn của người Uzbek và người Hazara; và sự chia rẽ sâu sắc giữa thế giới tự do của những người Afghanistan có học thức ở Kabul với những người sống ở vùng nông thôn bảo thủ sâu sắc.
Do đó, mặc dù quốc gia có chính phủ trung ương và quân đội, nhưng trên thực tế lại không có khả năng mở rộng nền hành chính thực sự tới phần lớn lãnh thổ của mình, hoặc giữ cho những người theo mình trung thành với nhà nước hơn là các trung tâm quyền lực khác.
20 năm sau khi sứ mệnh của Mỹ ở Afghanistan bắt đầu, một chính phủ đại diện ở nước này do phương Tây lập nên đã sụp đổ. Taliban - một lần nữa - lại là lực lượng chính trị và quân sự thống trị tại "nghĩa địa của các đế chế".
Các chiến binh Taliban tuần tra trong TP Kandahar, Afghanistan, ngày 15/8. Ảnh: AP 
"Taliban 2.0" có gì khác?
Taliban nổi lên ở Kandahar - TP lớn thứ 2 ở Afghanistan - vào năm 1994 như một giáo phái Hồi giáo mới. Chỉ trong vòng 2 năm, lực lượng này đã có thể tấn công hầu hết phần còn lại của đất nước và nắm quyền lãnh đạo vào năm 1996.
Theo CNN, năm 2001, Taliban bị truất bỏ quyền lực giữa bối cảnh phần đông người dân Afghanistan cảm thấy bức bối vì những luật lệ hà khắc như thời trung cổ của chính quyền Hồi giáo, nhưng trên hết là mâu thuẫn do hoạt động buôn bán thuốc phiện bị thâu tóm.
Trị giá khoảng 4 tỷ USD mỗi năm, thuốc phiện đã và đang là mặt hàng xuất khẩu chính của Afghanistan, và là ngành kinh doanh béo bở thu hút các thủ lĩnh đối thủ của Taliban và giới thượng lưu Kabul.
Để cạnh tranh kiếm lời ở lĩnh vực này, Taliban không chỉ tạo ra những kẻ thù ngay tại quê nhà, mà còn gây ra mối nguy với thế giới bằng cách cung cấp nơi trú ẩn cho lực lượng khủng bố al-Qaeda, cả trước, trong và sau khi Osama bin Laden ra lệnh thực hiện vụ tấn công 11/9 vào nước Mỹ.
CNN dẫn nguồn tin tình báo phương Tây cho biết, nguồn tiền của Taliban không chỉ từ ma túy. Các chuyên gia và Liên Hợp quốc khẳng định rằng lực lượng này có nhiều nguồn tài trợ khác nhau, bao gồm các nhà tài trợ tư nhân ở Vùng Vịnh, từ hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp và thuế ở các khu vực mà họ kiểm soát.
Taliban trước đây cho biết họ ủng hộ một chính phủ chuyển tiếp nếu Tổng thống Ashraf Ghani từ chức, nhưng không rõ liệu họ có thực hiện đúng cam kết này hay không. Tuy nhiên hầu hết các nhà phân tích hiện tin rằng, một chính phủ do Taliban thống trị ở Kabul có thể sẽ xuất hiện trong những ngày tới.
Việc Taliban trở lại nắm quyền là một viễn cảnh đáng sợ đối với phụ nữ ở Afghanistan. Dưới thời cai trị của lực lượng Hồi giáo này từ năm 1996 - 2001, giới nữ bị cấm đến trường học và bị chính luật pháp quy định như vật sở hữu của đàn ông.
2 thập kỷ trở lại đây, phụ nữ ở thủ đô Kabul đã có thể bắt đầu kinh doanh, tham gia chính trị, thậm chí cả trong các chính quyền cấp tỉnh và điều hành các bộ. Tại một số tỉnh thuộc quyền lãnh đạo của Taliban, lực lượng này đã cho phép thêm các quyền đối với phụ nữ, và hơn hết là tạo được danh tiếng về quyền kiểm soát tư pháp mà hệ thống chính quyền trung ương không thể đạt được. Những dấu hiệu này là ít nhiều hy vọng về sự đổi mới của một chính quyền "Taliban 2.0".
Nếu như mối liên hệ với al-Qaeda trong vấn đề hỗ trợ khủng bố còn nhiều tranh cãi, gần như chắc chắn rằng Taliban sẽ không khuất phục trước các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS - những kẻ đã dần trở thành lực lượng khét tiếng hàng đầu về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo quốc tế. Trong 5 năm qua, Taliban đã thành công trong việc tiêu diệt hầu hết các nỗ lực của các đối thủ IS để giành lấy đất đai.