Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hành động để hướng tới môi trường xây dựng tuần hoàn và carbon thấp

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/11, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo tham vấn về “Xây dựng chiến lược và lộ trình toàn diện hướng tới môi trường xây dựng tuần hoàn và carbon thấp”.

Hội thảo là một trong các chuỗi hoạt động hợp tác giữa AMC và UNIDO nhằm thúc ngành Xây dựng phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm.

TS Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại.
TS Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại.

TS Trần Hữu Hà - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc AMC nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại.

 

Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp quốc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1978 và đã có nhiều đóng góp đáng kể cho sự phát triển ngành công nghiệp Việt Nam.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.

"Tại Hội nghị COP 27, để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất, chúng ta cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng. Bắt đầu từ ý chí, nhận thức và giải pháp, tổ chức thực hiện cho đến đảm bảo nguồn lực. Những cam kết và hành động mang tính lịch sử sẽ giúp để lại một hành tinh xanh, một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho tất cả các thế hệ mai sau" - TS Trần Hữu Hà nói.

Bà Lê Thị Thanh Thảo - đại diện quốc gia của UNIDO phát biểu tại hội thảo.
Bà Lê Thị Thanh Thảo - đại diện quốc gia của UNIDO phát biểu tại hội thảo.

Bà Lê Thị Thanh Thảo - đại diện quốc gia của UNIDO khẳng định, UNIDO luôn coi lĩnh vực xây dựng là ngành then chốt bởi ngành Xây dựng là động lực cốt lõi của tăng trưởng và là lĩnh vực quan trọng để đạt được "Mục tiêu phát triển bền vững 9" (SDG 9) về công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng.

Khối lượng tài nguyên toàn cầu được tiêu thụ bởi ngành xây dựng đã thu hút được sự chú ý, thúc đẩy đổi mới và cuối cùng là kêu gọi chúng ta phải hành động. Môi trường xây dựng theo hướng kinh tế tuần hoàn và ít phát thải carbon là một vấn đề đang nổi lên và ngày càng quan trọng.

Biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu và nó sẽ đòi hỏi những nỗ lực chưa từng có và quan hệ đối tác hiệu quả trong suốt vòng đời của một tòa nhà, một cây cầu, một tuyến đường sắt hay một công trình cảnh quan quy mô lớn.

Do đó, cần phải đẩy mạnh nỗ lực của chúng ta nhằm tăng cường các thông lệ thực hành xây dựng, tìm kiếm công nghệ mới, suy nghĩ lại về việc lập kế hoạch, tạo ra những vật liệu mới, chuyên nghiệp hoá việc bảo trì và mở rộng sự tham gia với nhiều bên liên quan mới.

"Nhờ đó, chúng ta có thể làm các toà nhà xanh hơn, bền vững hơn và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Và cuối cùng là chuyển đổi môi trường xây dựng thành một hệ thống thực sự tuần hoàn" - đại diện quốc gia của UNIDO cho hay.

Toàn cảnh hội thảo tham vấn.
Toàn cảnh hội thảo tham vấn.

Hội thảo tham vấn ý kiến từ các cơ quan khác nhau để bước đầu xây dựng một bức tranh tổng quát về hiện trạng giảm phát thải khí nhà kính và mức độ sẵn sàng cho những giải pháp kinh tế tuần hoàn trong suốt vòng đời của môi trường xây dựng.

Nhận thức ban đầu này sẽ là tiền đề triển khai các hành động tiếp theo, các hoạt động nghiên cứu và nâng cao năng lực đồng thời đảm bảo duy trì quan điểm tổng thể quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn.