Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiến kế “Cùng hành động vì môi trường Thủ đô”

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/5, hội thảo khoa học “Cùng hành động vì môi trường Thủ đô”do TƯ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), Liên hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội (HUSTA) và Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Thủ đô (HACNE) phối hợp tổ chức, đã chính thức diễn ra tại Hà Nội.

Đây là hoạt động thường niên nhằm Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6); đồng thời hưởng ứng 30 năm thành lập VACNE (1988 - 2018).
Hội thảo có ý nghĩa thiết thực trong hiến kế giữ gìn môi trường Thủ đô.

Với chủ đề “Cùng hành động vì môi trường Thủ đô”, tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia,…đã có những tham luận mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc hiến kế giữ gìn đa dạng sinh học, môi trường Thủ đô, trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, tác động của con người tới môi trường.
Theo GS.TS Vũ Hoan (HUSTA), cùng với chương trình trồng 1 triệu cây xanh thì việc bảo tồn phát huy giá trị đích thực của các cây, quần thể cây cổ thụ 200 cây đã được vinh danh Cây di sản Việt Nam cũng cần được quan tâm đúng mức. TP cần có cơ chế khuyến khích cộng đồng tiếp tục phát hiện trong số khoảng 2000 cây cổ thụ ( theo quy hoạch trồng cây xanh) đáp ứng các tiêu chí để đăng ký vinh danh Cây di sản Việt Nam như các địa phương khác đã triển khai như Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, …
Liên quan đến bảo tồn, phục hồi tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên, TS Nguyễn Phi Truyền (Giám đốc vườn quốc gia Ba Vì) cho biết, hiện Vườn quốc gia Ba Vì xác định được 1209 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 633 chi và 157 họ. Thực vật đặc hữu mang tên Ba Vì có 49 loài, điển hình như Sặt Ba Vì, Thu Hải Đường Ba Vì, Trân Châu ba Vì; thực vật cây thuốc có 503 loài; cây có giá trị sử dụng gỗ có 251 loài;…

“Xác định rõ cộng đồng dân cư địa phương nơi gần rừng có vai trò lớn đến công tác bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái rằng, Vườn quốc gia Ba Vì đã tang cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng đến người dân các xã vùng đệm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng thanh thiếu niên học sinh bằng các hình thức phát thanh, truyền hình, tờ rơi,…; cổ động các em tham gia phong trò thi tìm hiểu về rừng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng và yêu quý tài nguyên thiên nhiên;…” – Giám đốc vườn quốc gia Ba Vì chia sẻ.
Tại hội thảo, vấn đề về công nghệ tái chế, giảm thiểu chất thải nhựa cũng được đặt ra. Theo GS.TS Đặng Kim Chi (VACNE), để giảm thiểu khối lượng rác thải nhựa phải đưa chôn lấp hay xử lý cùng các loại chất thải khác thì tái chế chất thải nhựa thành những sản phẩm khác tiếp tục đưa đi sử dụng là rất có ý nghĩa. Đồng thời giới thiệu một số phương pháp mới trong xử lý chất thải nhựa, trong đó có kỹ thuật phá vỡ polyethylene để tái chế thành dầu diesel.
“ Nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường trước những tác động gây ô nhiễm của chất thải nhựa, theo tôi cần thiết phải có các giải pháp quản lý tổng hợp từ chính sách, quy hoạch phát triển sản phẩm nhựa. Các giải pháp công nghệ - kỹ thuật cũng rất quan trọng và cần được khuyến khích, đầu tư, tạo điều kiện để có được kết quả áp dụng vào thực tế.” - GS.TS Đặng Kim Chi nói.