Sáng 29/7/2020, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức họp báo về tình hình động đất, và chỉ đạo các phương án giữ an toàn hồ chứa sau động đất.
Ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, trận động đất mạnh 5,3 độ ở Mộc Châu (Sơn La) trưa 27/7 sẽ tiếp tục gây dư chấn trong những ngày tới. Trận động đất với mức độ rủi ro thiên tai cấp 4 này, có khả năng gây thiệt hại với các công trình xây dựng kém.
Viện Vật lý địa cầu đã quan trắc và thống kê được 16 trận dư chấn của động đất với mức trên 2,5 độ và khoảng 10 - 15 trận dư chấn nhỏ hơn 2,5 độ. "Trong vài ngày tới vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện các trận dư chấn nhỏ nhưng cường độ sẽ giảm dần", ông Nguyễn Xuân Anh nói.
Viện trưởng Viện Vật Lý địa cầu cũng lưu ý, tại Tây Bắc, trên đới đứt gãy Sông Mã cũng đã từng xảy ra động đất với cường độ mạnh, đặc biệt là trận động đất tại Điện Biên năm 1935 lên tới 6,7 - 6,8 độ. Do đó, phải có giải pháp căn cơ, lâu dài phòng chống dộng đất, không chỉ cho các công trình thủy điện, thủy lợi. Bởi nhiều công trình hạ tầng, nhà ở có thiết kế chống động đất ở mức thấp.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, đến nay các công trình công nghiệp, hầm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Điện Biên không có thiệt hại nghiêm trọng gì, và vẫn tổ chức vận hành hoạt động bình thường.
Về khả năng ảnh hưởng đến các hồ chứa thủy điện, trong 3 tỉnh bị ảnh hưởng của trận động đất trưa 27/7 có 560 hồ chứa, hiện tại đang ở trong tình trạng hoạt động bình thường, với dung tích trữ thấp. Chỉ có một số hồ ở Tuyên Quang như Bài Sơn, Hầu Lầy... ở mức cao.
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết: Các hồ chứa nhà nước đầu tư trong những năm qua như hồ Hòa Bình, hồ Sơn La được thiết kế chống chịu động đất ở mức cao hơn rất nhiều so với các trận động đất đã từng xảy ra tại Việt Nam.
"Do đó, chúng ta hoàn toàn yên tâm về độ an toàn của các công trình này. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn cần phối hợp với các đơn vị liên quan để đánh giá lại chất lượng các công trình đặc biệt quan trọng này, ông Trần Quang Hoài thông tin.
Để chủ động phòng chống động đất và đảm bảo an toàn hồ chứa, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu:
Các địa phương, bộ, ngành khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của Nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân;
Thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân, tránh hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số;
Kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình;
Sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu;
Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục theo dõi dư chấn động đất, kịp thời thông tin phục vụ chỉ đạo ứng phó;
Các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời thông tin về động đất, công tác chỉ đạo ứng phó, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân kỹ năng ứng phó với động đất để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), trong ngày 28/7/2020, đã xảy ra 11 trận động đất với độ lớn từ 2,0 đến 4,0 ở tỉnh Sơn La. Trước đó, ngày 27/7, khu vực trên cũng hứng chịu 5 vụ động đất liên tiếp. Trong đó, vào hồi 12 giờ 14 ngày 27/7/2020, trận động đất có độ lớn 5,3 độ xảy ra tại tọa độ: 20,83 độ vĩ Bắc, 104,65 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km thuộc khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Với trận động đất này, người dân các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội cảm nhận rõ sự rung lắc nhẹ. |