Vì thế, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh là rất cần thiết, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn khách quan, phù hợp với xu hướng vận động của nền kinh tế.
Phù hợp xu hướng tiêu dùng chung, đẩy lùi tín dụng đen
Tín dụng tiêu dùng (TDTD) đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tăng trưởng TDTD trong những năm qua đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào đầu tư sang tiêu dùng nội địa. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức mua trong nước mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp dịch vụ và bán lẻ phát triển mạnh mẽ.
Kênh tín dụng tiêu dùng cũng là xu thế chung của thế giới. Theo thống kê, quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11 nghìn tỷ USD năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới.
Cùng chung xu hướng đó, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam cũng có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn đánh giá, TDTD đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng không chỉ đáp ứng nhu cầu tài chính của người dân, mà còn giúp hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh thông tin không chính thức như tín dụng đen, góp phần giảm thiểu các hệ lụy tiêu cực, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Cùng chung quan điểm này, Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp Văn phòng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cường chỉ ra, Việt Nam đang có dân số ở trong độ tuổi dân số vàng lớn, đây là nhóm khách hàng có nhu cầu tiêu dùng cao nhưng thu nhập chưa đủ để bù đắp chi tiêu.
Do đó, TDTD sẽ là giải pháp tốt để họ thỏa mãn nhu cầu chi tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là đối với đối tượng người yếu thế, người lao động có thu nhập thấp, nguồn tài chính, thu nhập không ổn định, thiếu tài sản bảo đảm… thì cho vay tiêu dùng chính thức đang góp phần hạn chế tệ nạn tín dụng đen.
Thiếu cơ sở pháp lý, gia tăng nợ xấu
Dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên thời gian gần đây, thị trường TDTD đang đối diện nhiều thách thức, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng. Khó khăn nổi cộm nhất chính là việc tín dụng đen núp bóng cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính... khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính được cấp phép chính thống, đâu là tín dụng đen, khiến thị trường vay tiêu dùng bị méo mó.
Đặc biệt là tình trạng nợ xấu gia tăng. Nhóm khách hàng là công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp... ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn của khách hàng. Tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường xã hội khi tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn cách “bùng nợ”.
Chia sẻ về những lo ngại của thị trường TDTD, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng (Hiệp hội ngân hàng) Nguyễn Đình Đức cho biết, sự gia tăng nợ xấu và làm giả giấy tờ, đang đe dọa sự ổn định tài chính của cá nhân và tác động xấu đến uy tín của các tổ chức tài chính tiêu dùng. Vẫn còn nhiều người dân chưa phân biệt được hoạt động cho vay của công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động với cho vay qua app, cho vay cầm đồ, tín dụng đen.
Trong khi đó, pháp luật hiện hành cho TDTD đã có nhưng những quy định kiểm soát hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng nói chung và cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nói riêng chưa có các quy định đặc thù.
Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp Văn phòng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nhu cầu vay tiêu dùng của thị trường Việt Nam vẫn rất tiềm năng. Tuy nhiên công ty tài chính tiêu dùng là loại hình tổ chức tín dụng chỉ hoạt động trong thị trường ngách so với Ngân hàng thương mại và công ty tài chính tổng hợp.
Thống kê của World Bank, khoảng 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận được vốn ngân hàng. Thực tế cho thấy, những người tìm đến tín dụng đen phần nhiều đều trong hoàn cảnh bế tắc, công việc bấp bênh, đa số không có bảo hiểm y tế. Do đó, kênh TDTT là giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp Văn phòng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cường
Các công ty tài chính chưa có các lợi thế trong thị trường ngách của mình như lợi thế lãi suất phù hợp với chi phí quản lý khoản vay tương ứng, lợi thế hồ sơ giấy tờ cho vay, lợi thế tiếp cận cơ sở dữ liệu Quốc gia, lợi thế tỷ lệ nợ xấu, lợi thế ứng dụng công nghệ, mở dịch vụ tài khoản tiền gửi ký quỹ và thu hộ chi hộ cho khách hàng tương tự công ty tài chính vi mô....
Hoàn thiện quy định pháp luật cho vay tiêu dùng
Từ những khó khăn trên, yêu cầu phải có phương pháp, quy định quản lý phù hợp với tiềm năng phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam, đặc điểm của TDTD, nhất là về lãi suất và rủi ro.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận vốn ưu đãi quốc tế; sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia.
Phía công ty tài chính cần rà soát điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường sau dịch bệnh. Đồng thời, cần chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới.
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Lê Thị Hoàng Thanh, để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng, có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ì.
Cụ thể, cần hoàn thiện các quy định hiện hành để cân bằng lợi ích, hạn chế tranh chấp. Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng văn bản luật riêng về tín dụng tiêu dùng. Cùng với đó, hoàn thiện quy định của Bộ luật tố dụng dân sự, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan…
Ở góc độ ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc Agribank Lê Hồng Phúc kiến nghị, các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội trong việc tuyên truyền chính sách vay vốn để người dân nắm được và tiếp cận nguồn vốn tín dụng công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử, gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.
Nên có luật riêng cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng để có quy định xử lý mối quan hệ người cung cấp dịch vụ tài chính và người đi vay. Đặc biệt, cần có bộ quy tắc ứng xử khi không chỉ có thu hồi nợ, mà có thể các hiệp hội ngành nghề đưa ra thỏa thuận, thực hiện thống nhất, lành mạnh thị trường. Qua đó, người tiêu dùng thấy được lợi ích rõ ràng, nếu vay ở thị trường chính thức được pháp luật bảo vệ hiệu quả hơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh