Hoàn thiện thể chế, khơi thông vốn đầu tư công

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy mạnh cải cách thể chế, phân cấp, phân quyền gắn trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu, kiểm tra, đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công sẽ là giải pháp góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân thời gian tới.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị xung quanh câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Đầu tư công năm 2024 sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1603/2023/QĐ-TTg giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 với tổng số tiền 677.349 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch năm 2023; đồng thời yêu cầu phấn đấu giải ngân ít nhất 95%. Ông nghĩ sao về mục tiêu này?

- Đây là mục tiêu lớn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đầu tư công có tác động trực tiếp và lan tỏa tới tăng trưởng các ngành kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam đang bị thử thách bởi cả các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, một giải pháp mà Chính phủ có thể thực hiện là hỗ trợ tổng cầu thông qua triển khai đầu tư công hiệu quả, từ đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế, giúp cho các DN phục hồi và phát triển tốt.

677 nghìn tỷ đồng là cố gắng rất lớn mà Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc cân đối nguồn lực quốc gia để ưu tiên cho hoạt động đầu tư công. Đây cũng là con số đầu tư rất lớn, nếu không tích cực giải ngân thì chúng ta khó thực hiện được mục tiêu cũng như thời hạn giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra.

Tuy nhiên, chúng ta cũng kỳ vọng mục tiêu giải ngân 95% số vốn này có thể thực hiện được bởi từ kinh nghiệm đã giải ngân trong năm 2023. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên số vốn giao rất lớn hơn 700 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 30% so với năm 2022). Nhưng chúng ta đã cố gắng hoàn thành được mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra là giải ngân 95% (tức hơn 667 nghìn tỷ đồng). Do đó năm 2024, số vốn cần giải ngân 677 nghìn tỷ đồng chúng ta có thể thực hiện được.

Trong tổng vốn 677.349 tỷ đồng vốn đầu tư công 2024, chủ yếu là hạ tầng giao thông? Ông đánh giá sao về chủ trương này?

- Đây là khâu rất quan trọng để giải quyết điểm yếu và ách tắc của nền kinh tế về mặt giao thông vận tải cũng như hoạt động luân chuyển hàng hóa, logistics. Và cũng là hướng chúng ta đầu tư trong tương lai giúp nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng.

Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư công nhằm hỗ trợ và kích thích tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế thì việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng là bài toán cần phải giải quyết trong dài hạn. Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mà trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông tại Việt Nam là vô cùng lớn, đòi hỏi phải có một hệ thống giao thông đồng bộ kết nối và được đầu tư bài bản, có quy hoạch tốt.

Sớm đưa giá bồi thường giải phóng mặt bằng tiệm cận giá thị trường

Năm 2023, mặc dù giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 95% nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn, đến tận nửa cuối năm mới tăng tốc, chúng ta rút kinh nghiệm gì cho năm 2024? Ông nhận xét ra sao về việc các bộ, ngành địa phương thực hiện giao, phân bổ vốn sớm?

- Ngay sau khi nhận kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, nhiều bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án. Việc sớm phân bổ vốn đầu tư công sẽ tạo đà cho công tác giải ngân để đưa dòng vốn đi nhanh vào xã hội. Giao vốn sớm để có thể chuẩn bị phương án, nguyên vật liệu… để sớm đi vào thi công có khối lượng hoàn thành giải ngân.

Kinh nghiệm quan trọng là ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu chủ đầu tư, bộ ngành địa phương phải tích cực vào cuộc chủ động trong thực hiện khối lượng đặt ra. Thực tế năm 2023 một số địa phương như Hà Nội hay Bộ GTVT làm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu nên tỷ lệ giải ngân rất cao.

Sự điều hành đồng bộ, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo. Chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, đôn đốc tăng cường phối hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát… để để từ đó việc giải ngân được chú trọng một cách nhanh nhất.

Bộ KH&ĐT đã chỉ ra, thủ tục đầu tư kéo dài, GPMB chậm, chưa chủ động nguyên vật liệu là những khó khăn trong giải ngân đầu tư công, ông có đề xuất giải pháp gì gỡ khó?

- Thực tế, nhìn lại việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, nhiều dự án được giao vốn khi chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết, dẫn đến chậm trễ giải ngân, thậm chí không giải ngân được đồng nào trong 11 tháng do chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như tình trạng thiếu hụt, biến động giá cả vật liệu xây dựng, chậm GPMB gây chậm tiến độ dự án…

Do đó, cần tạo dựng căn cứ pháp lý và có giải pháp xử lý vấn đề GPMB theo hướng bố trí GPMB thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Đồng thời các cơ chế và mức bồi thường GPMB phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế điều chỉnh kịp thời định mức thầu, giá thầu và giá các loại vật tư, vật liệu xây lắp khi có biến động giá trên thị trường; đảm bảo đầy đủ, kịp thời vật liệu xây lắp, đắp nền.

Nhiều ý kiến kiến nghị đẩy nhanh thí điểm việc tách GPMB thành dự án độc lập. Sớm đưa giá bồi thường GPMB tiệm cận giá thị trường thực tế. Quan điểm của ông thế nào?

- Từ thực tiễn dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, việc tách riêng GPMB thành 1 dự án độc lập, thực hiện song song với việc lập dự án đầu tư Vành đai 4 sẽ giúp tiến hành đồng thời được 2 việc, thay vì chờ toàn dự án được duyệt mới GPMB. Đến nay, qua 1 năm triển khai, Hà Nội đã GPMB được trên 90%, khi dự án đi vào triển khai sẽ không phải chờ GPMB.

Cần tách phần GPMB bằng triển khai trước, phân cấp chủ quản đầu tư, nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Kỳ vọng vào sửa đổi Luật Đất đai sẽ gỡ nút thắt về giá để đẩy nhanh GPMB, xác định giá đất sát thực tiễn; bỏ khung giá đất, quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm, được công bố công khai và áp dụng từ 1/1 của năm và được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Việc điều chỉnh hàng năm sẽ giúp bảng giá đất tiệm cận giá thị trường hơn. Nếu thống nhất cách làm này, cơ quan bồi thường sẽ mạnh dạn hơn khi xác định giá đất bồi thường. Người dân thấy mức giá thỏa đáng sẽ dễ dàng đồng tình.

Ngay từ đầu năm các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực vào cuộc, kiểm tra giám sát để kịp thời hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết khó khăn, thách thức nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả dự án. Ông nhận định ra sao về điều này?

- Đây là động thái rất tích cực. Nhưng theo tôi, điều đó chưa đem lại hiệu quả và chưa thể gỡ vướng cho từng dự án cần có giải pháp mang tính hệ thống hơn; cải cách thể chế cũng phải được tiến hành một cách hệ thống hơn.

Ông có thể nói rõ hơn điều này. Cải cách thế chế trong lĩnh vực đầu tư công và theo ông điều gì cần tập trung thay đổi?

- Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu năm 2023 với nhiều đổi mới, tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu; thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ tạo cơ chế thông thoáng, phù hợp yêu cầu thực tiễn để đẩy nhanh thực hiện, giải ngân các công trình giao thông đường bộ lớn, liên vùng.

Chính phủ ban hành một số nghị định sửa đổi, bổ sung để sát với tình hình thực tế (sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; sửa đổi, bổ sung Nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài)…

Thời gian tới cần điều chỉnh các quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính cấp phép nguyên vật liệu, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất…Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong các hoạt động liên quan đến thủ tục đầu tư dự án, rút ngắn thời gian góp ý kiến, giải quyết các thủ tục liên quan đến thẩm định…

Bên cạnh đó là phân cấp, phân quyền. Quốc hội cho phép các cơ quan thực thi công vụ được quyền hành động trong khuôn khổ, mà nếu thực hiện quy định đó sẽ đem lại kết quả tốt hơn cho lợi ích chung, nâng cao tính chủ động của các cấp trong đầu tư công. Việc giao Hà Nội và TP Hồ Chí Minh triển khai các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 đã giúp GPMB các dự án này triển khai rất nhanh. Chính nhờ cơ chế đặc thù này nên tiến độ triển khai dự án rất nhanh.

Do đó, việc trao quyền cho địa phương thực hiện thực chất là giao trách nhiệm để đảm bảo tiến độ dự án, đồng thời cũng tạo cơ chế để giám sát tốt hơn. Bên cạnh sự giám sát của cơ quan quản lý ở T.Ư thì người dân địa phương cũng được tham gia nhiều hơn trong quá trình giám sát đầu tư, thực hiện hoạt động của dự án.

Xin cảm ơn ông!