[Hỏi-đáp] Lập di chúc có cần các con đồng ý?

Luật sư Nguyễn Hồng Quang - Đoàn Luật sư Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Bố mẹ tôi muốn lập di chúc để lại một phần tài sản cho quỹ từ thiện. Vậy, khi bố mẹ tôi lập di chúc có cần sự đồng ý của tất cả các con không?" - Nguyễn Văn Bình, quận Hà Đông, Hà Nội

Trả lời:
Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Như vậy, di chúc là văn bản được lập ra khi một người có tài sản và muốn để tài sản của mình cho người khác sau khi người đó chết. Di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nên không phụ thuộc vào người khác.

Không chỉ vậy, về quyền của người lập di chúc, Điều 626 Bộ luật Dân sự nêu rõ các quyền như sau: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế; dành một phần tài sản trong khối di sản để đi tặng, thờ cúng; giao nghĩa vụ cho người thừa kế; chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự: “Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép”. Như vậy, khi tiến hành lập di chúc, bố mẹ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình mà không phụ thuộc vào con cái của mình. Việc quyết định ai là người được hưởng di sản thừa kế và hưởng phần di sản thừa kế như thế nào hoàn toàn dựa vào ý chí bố mẹ bạn. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào tài sản mà bố mẹ lập di chúc. Trong một số trường hợp vẫn cần phải có sự đồng ý của các con như tài sản là đất cấp cho hộ gia đình thuộc sở hữu chung thì vẫn phải cần sự đồng ý của các con.

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn