Huy động trực thăng cứu trợ, không để tính mạng người dân bị đe dọa trong mưa lũ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhấn mạnh các tỉnh miền Trung đang trong tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ, nguy cơ thiệt hại rất lớn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương tạm hoãn các cuộc họp không thực sự cần thiết, huy động mọi nguồn lực tập trung triển khai ứng phó bão số 9 trên tinh thần 4 tại chỗ.

Sáng 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 9, cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đang trong tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ. Gần 1 tháng qua, mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, nhưng nguy cơ thiệt hại có thể còn lớn hơn trong những ngày tới".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo cuộc họp ứng phó bão số 9 vào sáng 26/10
Trước diễn biến thiên tai phức tạp, Thủ tướng đề nghị các địa phương không được mất cảnh giác. Tinh thần là chủ động, phòng chống tốt nhất để bão vào đất liền thì có thể giảm thiểu thiệt hại cho Nhân dân. Theo Thủ tướng, trong trường hợp bão số 9 không vào đất liền thì cũng là cuộc tập dượt cho các tình huống bão lớn.
Thủ tướng yêu cầu trong những ngày tới, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung vào công tác cứu nạn, cứu hộ cho 5 tỉnh khu vực miền Trung chịu thiệt hại. “Vấn đề này Thủ tướng đã có chủ trương. Các địa phương bám vào chỉ đạo, tập trung thực hiện, tuyệt đối không để người dân màn trời chiếu đất, thiếu thực phẩm, nước sạch…” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đối với cơn bão số 9, dự báo mưa gió, dông lốc kéo dài. Theo đó, Thủ tướng đề nghị nhiệm vụ trọng tâm số 1 là bảo đảm an toàn cho người dân. Cứu người là nhiệm vụ quan trọng nhất. Do đó, cần tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh. Cương quyết đưa người dân, nhất là tại các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản lên bờ.
“Kinh nghiệm thực tế cho thấy, tàu thuyền vào bờ rồi chưa chắc an toàn. Trong bão số 9 này, nếu chủ không cho lao động tại các lồng bè vào bờ mà bắt ở lại trông lồng bè thì phải xử lý hình sự...” - Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng lưu ý bảo đảm an toàn đê biển, đê bao bởi nguy cơ sóng biển sẽ rất lớn. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng rất dễ xảy ra do đất đã ngấm nước lâu ngày. Do đó, các địa phương cần chủ động phương án sơ tán người dân đến nơi tránh trú an toàn. 
Sau bão lũ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác cứu hộ, cứu nạn đặt ra cho các đơn vị có liên quan. Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng, Bộ Công an phải tập trung hỗ trợ người dân trước bão và cứu trợ người dân sau bão số 9. Trong đó, có thể tính đến cả việc sử dụng xe tăng, trực thăng để cứu trợ dân, không để tính mạng của người dân bị đe dọa trong thiên tai, bão lũ.
Sau mưa lũ, các bộ ngành cần bảo đảm hệ thống điện, viễn thông. Thông suốt giao thông, cố gắng không để ùn tắc quá lâu. Các bộ ngành chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm, không để người dân vùng lũ thiếu thốn trong giai đoạn mưa lũ xảy ra. 
Thủ tướng yêu cầu các địa phương quán triệt tinh thần 4 tại chỗ, không để bị động trong ứng phó bão số 9 có thể giật cấp 12. Tăng cường các biện pháp mạnh mẽ, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sát với thực tiễn của từng địa phương, đặc biệt là các địa phương chưa trải qua mưa lũ nhiều, còn ít kinh nghiệm ứng phó tại Nam Trung Bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tạm dừng các cuộc họp không thực sự cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 9.
“Tinh thần là đề cao cảnh giác, thực hiện giải pháp đồng bộ để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Tập trung thực hiện công điện của Phó Thủ tướng thay mặt Thủ tướng vừa ký, ban hành để hoàn thành trách nhiệm trước Nhân dân” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.