Lợi dụng sự thiếu sâu sát của cơ quan quản lý, tháng 3/2021, ông Trần Ngọc Hà (ở xã Phù Linh) đã có hành vi đổ đất với diện tích lên tới 1.800m2 tại ven hồ Đồng Quan. Chưa dừng lại ở đó, ông Hà còn xây dựng tường đá trong vùng phụ cận hồ chứa này. Tuy nhiên, vi phạm trên đến nay vẫn chưa bị xử lý.Đây chỉ là một trong số hàng chục vi phạm hồ chứa thủy lợi phát sinh trên địa bàn huyện Sóc Sơn trong giai đoạn đầu năm 2021. Ngoài hồ Đồng Quan, 2 hồ Đồng Đò và Ban Tiện cũng ghi nhận nhiều vi phạm phức tạp nhưng chưa được xử lý. Cụ thể tại hồ Đồng Đò, thời gian qua phát sinh 13 vụ vi phạm, với hành vi chủ yếu là xây tường đá, dựng hàng rào, đổ đất lấn chiếm vùng hồ thuộc địa bàn xã Minh Trí. Tại hồ Ban Tiện, vi phạm nghiêm trọng nhất là hành vi đổ đất và đào mương tại khu vực phụ cận với diện tích hơn 600m2 thuộc địa bàn xã Minh Phú…Trách nhiệm thuộc về ai?Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi huyện Sóc Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) Nguyễn Xung Hiến cho biết: Ngay khi có thông tin về các vụ vi phạm, đơn vị đã cử cán bộ xuống trực tiếp hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản. Sau khi biên bản vi phạm được lập, đơn vị sẽ giao cho chính quyền địa phương để xử lý theo Hướng dẫn số 144/SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội. Đại diện Xí nghiệp thủy lợi huyện Sóc Sơn cho biết thêm, trách nhiệm xử lý các vi phạm liên quan đến hồ chứa thủy lợi thuộc về chính quyền địa phương. “Đối với những vi phạm chậm được xử lý, đơn vị liên tục có văn bản gửi chính quyền địa phương để đôn đốc, tuy nhiên việc xử lý của các xã nhìn chung rất chậm” - ông Hiến cho hay. Liên quan đến công tác xử lý vi phạm hồ chứa thủy lợi, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Kim Lữ cũng bày tỏ: “Công tác phối hợp xử lý giữa UBND các xã và xí nghiệp thủy lợi nhìn chung còn nhiều hạn chế. Biên bản kiểm tra hiện trạng do Xí nghiệp lập đôi khi bị thiếu dữ liệu thông tin khiến việc ban hành các văn bản xử lý vi phạm hành chính của chính quyền các cấp gặp khó khăn…”.Đại diện Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết thêm, đối với các hồ chứa thủy lợi do UBND TP Hà Nội giao Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội quản lý, theo quy định phải cắm mốc chỉ giới. Tuy nhiên, 8/8 hồ chứa trên địa bàn huyện hiện chưa có mốc giới, thiếu hồ sơ quản lý. Điều này khiến việc quản lý và xử lý vi phạm hồ chứa thủy lợi thêm phần khó khăn. Trên thực tế, việc quản lý, xử lý các vi phạm hệ thống thủy lợi là trách nhiệm chung của chính quyền địa phương và xí nghiệp thủy lợi. Tuy nhiên, thực tế công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ này tại huyện Sóc Sơn vẫn còn bất cập, nếu không phải nói là có sự “đùn đẩy trách nhiệm” giữa các đơn vị liên quan. Chính vì vậy, đề nghị UBND huyện Sóc Sơn và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội sớm “ngồi lại” bàn thảo, đưa ra những giải pháp nhằm xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan đến hệ thống hồ chứa thủy lợi. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với mục tiêu thoát lũ khi mùa mưa đang đến gần.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2021, huyện Sóc Sơn là một trong những địa phương phát sinh nhiều vi phạm nhất liên quan đến khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, nhất là các vi phạm hồ chứa. Vi phạm phát sinh lớn, nhưng việc xử lý chậm. Số lượng vi phạm phát sinh và tồn đọng từ những năm trước còn rất nhiều.