Đồng thời, tiếp tục gỡ bỏ đi những bức tường vô hình bởi định kiến, thực hiện bình đẳng giới thực chất.
Có thể nói rằng, trong hơn một thế kỷ qua, phụ nữ đã giành được sự bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực và ở hầu hết các nước trên thế giới. Năm 2024, Liên Hợp quốc chọn chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ là: “Đầu tư cho phụ nữ: Đẩy nhanh tốc độ phát triển”. Chủ đề này tiếp tục nhấn mạnh sự quan trọng của bình đẳng giới, củng cố quyền lợi và sức mạnh của phụ nữ, trẻ em gái.
Việt Nam được đánh giá là hình mẫu thành công trên thế giới về thúc đẩy bình đẳng giới. Như con số thống kê, năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới so với năm 2022 (từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia xếp hạng). Khi xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng, phụ nữ càng thể hiện rõ nét những phẩm chất mới, nổi bật như: Năng động, sáng tạo; tự tin, tự trọng; dám nghĩ, dám làm. Như nhiều ý kiến đã nhận định, phụ nữ được xem là “phái yếu” nhưng thực tế họ có sức chịu đựng dẻo dai, mạnh mẽ hơn đàn ông.
Nhiều điển hình trong lĩnh vực chính trị, nhà lãnh đạo tài ba các tập đoàn kinh tế, DN lớn, nhà khoa học xuất sắc… là nữ giới xuất hiện đã khẳng định chỗ đứng của phụ nữ trong xã hội. Nhiều tấm gương phụ nữ được xã hội ghi nhận, tôn vinh, giúp người phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống. Đó cũng là những điểm sáng về bình đẳng giới.
Khi phụ nữ tỏ rõ vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình, xu thế phát triển hiện nay cũng tạo ra nhiều cơ hội mới cho phụ nữ phát huy năng lực bản thân. Chính phủ đã triển khai lồng ghép các sáng kiến ưu tiên vào các chương trình, đề án cấp quốc gia, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái.
Phải nói rằng, phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội để nâng cao trình độ, phát triển chuyên môn, lựa chọn việc làm, thu nhập, tham gia hoạt động xã hội… Nhưng nếu nhìn rộng ra toàn xã hội, những sự bất công với phụ nữ không phải đã hết.
Như nhiều người đã khẳng định, quyền bình đẳng của phụ nữ được quy định trong pháp luật tương đối đầy đủ nhưng trong nhiều trường hợp chị em khó có cơ hội để thực hiện quyền đó cũng bởi yếu tố giới. Nhiều rào cản đã được chỉ ra khi phụ nữ vẫn chịu gánh nặng kép về công việc xã hội và chăm sóc gia đình.
Sự bất bình đẳng vẫn hiển hiện ở nhiều lĩnh vực, như về việc làm, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công thường hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (thông kê năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,6 triệu đồng, lao động nữ là 5,6 triệu đồng). Số lượng phụ nữ giữ các vị trí cấp cao, vị trí quan trọng đã cải thiện, song chưa ổn định... Rồi những vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái liên tục xảy ra cũng gây bức xúc trong dư luận. Bức tường vô hình với bản chất là định kiến giới vẫn còn hiện diện cả trong gia đình và xã hội, đã tạo rào cản mà nhìn bề ngoài thì không thấy, khó thấy nhưng không dễ để vượt qua.
Vẫn biết rằng, để vươn lên, đi đến quyền bình đẳng thật sự phần nhiều xuất phát từ nỗ lực của chính phụ nữ, nhưng quan trọng là các chính sách để thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng về cơ hội phát triển, khẳng định mình của phái nữ. Từ đó thực sự đem đến “nụ cười cho phụ nữ” như thông điệp được phát đi trong dịp 8/3 năm nay.