Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi côn đồ đội lốt doanh nhân

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoác áo doanh nhân, tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, đó là vỏ bọc của vợ chồng “ông trùm” hoạt động theo kiểu xã hội đen Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương ở Thái Bình. Đến khi hai người này bị bắt, mọi người mới hiểu rõ bản chất của những kẻ côn đồ đội lốt doanh nhân.

Hành xử giang hồ
Liên quan đến vụ án Cố ý gây thương tích do cặp vợ chồng “đại gia” Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, còn gọi là Đường “Nhuệ”, ở TP Thái Bình) xảy ra ngày 30/3, Công an tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp Viện KSND tỉnh Thái Bình điều tra mở rộng vụ án.
Trước đó, sáng 30/3, nhân viên Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Phúc Cường là anh Trịnh Ngọc Anh và anh Nguyễn Đức Dương có nhận vận chuyển một gói tài liệu của Công ty TNHH Đường Dương từ Thái Bình đi Hà Nội. Do người vận chuyển và người nhận không thống nhất được địa điểm giao hàng nên xảy ra mâu thuẫn và giao nhận hàng muộn hơn dự kiến. Sau đó, Đường "Nhuệ" đã gọi điện đe dọa, yêu cầu nhân viên Công ty Phúc Cường về Thái Bình gặp Đường. Khoảng hơn 18 giờ cùng ngày, nhân viên Công ty Phúc Cường đến nhà Đường “Nhuệ” (cũng là trụ sở Công ty TNHH Đường Dương). Tại đây, vợ chồng Đường - Dương đã tra hỏi, đe dọa nhân viên Công ty Phúc Cường. Sau đó, Nguyễn Thị Dương và một số đối tượng đã đánh nhân viên Công ty Phúc Cường, gây thương tích 14%.
 Nhà xưởng bề thế hàng nghìn mét vuông bị Đường ''Nhuệ'' siết nợ, trở thành đống đổ nát. Ảnh: VTCNews
Từ vụ việc này, ngày 7/4, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Dương và một số đối tượng để điều tra về hành vi gây thương tích cho nhân viên Công ty Phúc Cường. Đường “Nhuệ” bỏ trốn khỏi địa phương và bị bắt vào tối 10/4, sau khi Công an tỉnh Thái Bình phát lệnh truy nã đối tượng trên toàn quốc, đồng thời triển khai lực lượng truy bắt.
Sau khi bị bắt giữ, nhiều người chia sẻ, cặp vợ chồng Đường - Dương là nỗi ám ảnh của giới kinh doanh Thái Bình suốt một thời gian dài với các hành vi chèn ép theo kiểu lưu manh. Thực chất DN của chúng là vỏ bọc để hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, sử dụng vũ lực đe dọa các DN, cá nhân trong các vụ đấu giá đất ở Thái Bình.
Dưới trướng của cặp vợ chồng này có nhiều đối tượng anh chị xăm trổ có máu mặt, sẵn sàng gây rối. Trong tháng 3/2020, công ty của cặp vợ chồng Đường - Dương đã tham gia đấu giá dự án khu dân cư ở xã Vũ Ninh (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Dự án có 46 lô đất, có tới 700 hồ sơ đăng ký, thế nhưng, công ty của cặp vợ chồng “ông trùm” đã trúng được hơn 30 lô đất.
Theo Trung tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, băng nhóm của Đường “Nhuệ” có tổ chức, núp dưới danh nghĩa DN, che mắt bằng doanh nhân thành đạt có nhiều hoạt động thiện nguyện; có nhiều phương thức, thủ đoạn xảo quyệt, đối phó với các cơ quan, tổ chức. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương vận động Nhân dân tố giác các hành vi tội phạm, qua đó mới thu thập đủ tài liệu, căn cứ xử lý.
Mở công ty làm bình phong
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối nhận định, trước đây, các đối tượng tội phạm thường hoạt động tự do, đơn lẻ, theo nhóm nhỏ hoặc lập thành băng nhóm xã hội để thực hiện các hoạt động phi pháp như cướp của, giết người, đâm chém, cưỡng đoạt tài sản, bảo kê.
 ''Trùm'' giang hồ Đường ''Nhuệ'' phải tra tay vào còng sau nhiều năm gây ra nỗi khiếp sợ cho người dân địa phương. Ảnh: CTV
Loại tội phạm này thường xây dựng các lãnh địa, khu vực để làm ăn, thực hiện các hành vi phi pháp của mình. Chính vì hoạt động của chúng công khai, manh động, tàn bạo, coi thường pháp luật nên bị dư luận xã hội, người dân lên án, các cơ quan tố tụng truy quét, đưa ra xử lý theo quy định pháp luật. Cùng với việc đấu tranh rất quyết liệt của các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật và nhận thức của người dân càng lên cao trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm nên dần dần hoạt động của các loại tội phạm này giảm dần và không còn địa bàn để hoạt động.
Tuy nhiên, điều này dẫn tới việc các băng nhóm tội phạm tập hợp với nhau, tìm cách lách luật, nhằm trốn tránh việc truy quét, xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật bằng việc chúng lập nên các công ty để hoạt động. Bề ngoài chúng rêu rao, đối phó với các cơ quan nhà nước rằng chúng hoạt động hợp pháp, có đăng ký kinh doanh, có trụ sở đàng hoàng và kê khai đóng thuế đầy đủ cho cơ quan nhà nước. Nhưng thực tế lại che đậy các hoạt động kinh doanh phi pháp bằng các thủ đoạn, cách thức hết sức tinh vi, kín kẽ.
Công ty mở ra thực chất không hề có bất cứ hoạt động kinh doanh gì, không có hoạt động thu chi, xuất hóa đơn. Công ty mở ra chỉ kê khai, báo cáo thuế bằng không (0) và đóng thuế môn bài hàng năm. Rõ ràng, việc mở công ty ra chỉ là bình phong, che đậy các hoạt động làm ăn phi pháp, trốn tránh việc xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật.
Trong vụ án Đường “Nhuệ” đã thể hiện rất rõ việc các đối tượng mở công ty làm bình phong. Thực chất Đường “Nhuệ” và băng nhóm của mình chủ yếu kiếm tiền từ việc bảo kê, thu hồi nợ, cho vay nặng lãi và cấu kết với một số cán bộ để thực hiện việc đấu giá đất nhằm trục lợi bất hợp pháp. Tuy nhiên, vì chúng hoạt động dưới mô hình công ty, tổ chức quy mô hoành tráng và liên tục PR hình ảnh bằng việc làm từ thiện. Điều này khiến cơ quan nhà nước khó phân biệt, xác định được rõ hành vi của bọn chúng có vi phạm pháp luật hay không?
“Qua vụ việc Đường “Nhuệ”, thiết nghĩ các cơ quan nhà nước cần thanh tra, kiểm tra hoạt động làm ăn phi pháp của các băng nhóm tội phạm hoạt động dưới hình thức mô hình công ty; đồng thời có biện pháp xử lý triệt để, ngăn chặn tái diễn nhằm mục đích đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nói chung” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhận định.