Khoảng 30.000 khách du lịch đang trong vùng ảnh hưởng của bão số 1

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai nêu tại cuộc họp ứng phó với bão số 1 diễn ra cuối giờ chiều nay (1/7).

Thông tin tại cuộc họp cuối giờ chiều nay (1/7), Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, cho biết bão số 1 hiện cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) gần 310km, cách Quảng Ninh 640km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11, giật trên cấp 14.

“Sau khi hình thành ở phía Bắc biển Đông, bão đi vào khu vực có nhiệt độ cao, độ đứt gió thấp nên có điều kiện thuận lợi để mạnh lên rất nhanh. Khả năng trong 12 giờ tới, bão số 1 sẽ đạt cấp 12 và di chuyển theo hướng Tây Bắc về phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc)…” - ông Mai Văn Khiêm thông tin thêm.

Đường đi của bão số 1.
Đường đi của bão số 1.

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), cho biết những ngày qua các tỉnh miền núi phía bắc có mưa, dự báo tiếp tục có mưa lớn những ngày tới. 5 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên ghi nhận có hơn 50.516 người ở vùng nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất.

“Đến 12 giờ ngày 1/7, toàn bộ tàu thuyền ở khu vực nguy hiểm đã vào nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.967 tàu và 269.433 người” - ông Nguyễn Văn Hải cho biết thêm.

Đại diện Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cũng nhấn mạnh việc các hồ chứa ở miền Bắc chưa năm nào phải xả lũ sớm như năm nay. Tổng cục Thủy lợi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam được yêu cầu theo dõi sát diễn biến mưa, bão để vận hành các hồ chứa.

Khoảng 30.000 khách du lịch đang nghỉ dưỡng tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
Khoảng 30.000 khách du lịch đang nghỉ dưỡng tại Hải Phòng và Quảng Ninh.

Thông tin tại cuộc họp cuối giờ chiều 1/7, đại diện UBND TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cho biết các lực lượng ứng phó của địa phương sẵn sàng những tình huống của bão. TP Hải Phòng đã bố trí 9 phà đưa khách ở đảo về đất liền sớm. Đối với du khách chưa về sẽ được ăn nghỉ tại khách sạn và quản lý chặt chẽ.

Trong khi đó, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay sẵn sàng huy động 1.300 cán bộ chiến sĩ ứng trực, 14 ô tô, 6 tàu, 22 xuồng để ứng phó thiên tai. Địa phương này đang quản lý hơn 14.300 khách du lịch, đồng thời sẽ cấm xe thô sơ lưu thông trên cầu Bãi Cháy khi gió trên cấp 6.

Kết luận cuộc họp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đánh giá 2022 là một năm “nhiều nước”. Dự báo lượng mưa ở miền Bắc tăng 15 - 30%, miền Trung tăng 30 - 50% và Tây Nguyên 50 - 100%.

“Cơ quan khí tượng đưa ra 3 kịch bản, trong đó kịch bản 10% và 70% sẽ rất nguy hiểm khi lượng mưa lớn trong 3 đợt liên tiếp có thể đạt 400 - 500 mm…” - ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh nguy cơ từ lượng mưa lớn.

Do phạm vi của bão lớn, ông Trần Quang Hoài đề nghị các tỉnh ven biển phía Bắc tiếp tục theo dõi hoạt động của tàu thuyền. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định quan tâm, giám sát để đảm bảo an toàn cho đê kè xung yếu, một số công trình đang thi công, các tuyến đường ven biển, cầu biển…

Đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đặc biệt lưu ý vấn đề khác du lịch. “Tại TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, thống kê hiện có khoảng 30.000 du khách. Trong khi đó, bão được dự báo đổ bộ cuối tuần. Chính vì vậy, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến phương án bảo đảm an toàn cho du khách trước các nguy cơ từ bão số 1…” - ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần