Khơi dậy nguồn lực phát triển công nghiệp văn hoá

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hoá (CNVH). Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, các cơ quan báo chí – truyền thông của Hà Nội đã chủ động, tích cực triển khai hiệu quả nhiệm vụ truyên truyền.

Đa dạng, kịp thời, chính xác

Ngày 22/2/2023, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thể hiện quyết tâm, ý chí và hàng loạt giải pháp thúc đẩy nguồn lực văn hóa của Thủ đô. Để Nghị quyết số 09-NQ/TU nhanh chóng đi vào cuộc sống, hơn một năm qua, công tác tuyên truyền được các cơ quan báo chí Hà Nội thực hiện một cách chủ động, đa dạng, thông tin kịp thời, chính xác, có chiều sâu.

Ứng dụng công nghệ trong trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút du khách.
Ứng dụng công nghệ trong trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút du khách.

Theo Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội Nguyễn Kim Khiêm, nội dung truyền thông về Nghị quyết số 09 được phản ánh sâu rộng, thường xuyên trong các chương trình Thời sự với 6 bản tin, chương trình hằng ngày, Chương trình Hà Nội 18 giờ phát sóng hằng ngày.

Trong đó, những nội dung được tập trung phản ánh bao gồm quá trình xây dựng, ban hành Nghị quyết; quan điểm, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết; các bước triển khai Nghị quyết trong từng lĩnh vực cụ thể như du lịch, văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ...

Một điểm nhấn của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội là các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên và con người Hà Nội, giới thiệu những điểm đến hấp dẫn với du khách trong, ngoài nước.

Những hình ảnh đẹp, thước phim công phu, kỹ xảo ấn tượng, hay những nhân vật điển hình, câu chuyện văn hóa, sự kiện văn hóa được kể bằng ngôn ngữ hình ảnh là cách quảng bá về văn hóa, du lịch Thủ đô một cách ấn tượng nhất. Đặc biệt càng mang lại hiệu ứng tốt hơn khi những clip hay chương trình này xuất hiện và được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội.

Là cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội, tuyên truyền về phát triển CNVH là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Báo Kinh tế & Đô thị thực hiện xuyên suốt, đều đặn. Báo đã tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng thông tin về các ngành CNVH, tiềm năng phát triển kinh tế, đô thị cũng như quảng bá, bảo vệ, phát huy bản sắc, giá trị, thúc đẩy CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Báo Kinh tế & Đô thị đã thực hiện nhiều loạt bài dài kỳ (từ 3 – 5 kỳ) liên quan đến lĩnh vực CNVH như: “Đầu tư cho văn hóa, tạo nguồn lực hướng tới tương lai”, “Phát triển nguồn nhân lực về CNVH”, “Khai thác mỏ vàng CNVH”…

Với việc ra mắt hệ sinh thái Kinh tế & Đô thị gồm 2 ấn phẩm báo in, báo điện tử kinhtedothi.vn và 4 chuyên trang điện tử gồm: Hanoitimes, phapluatxahoi.kinhtedothi.vn, giaothonghanoi.kinhtedothi.vn và tieudung.kinhtedothi.vn, Kinh tế & Đô thị đã tổ chức sản xuất nhiều sản phẩm báo chí đa phương tiện Emagazine, Longform, Infographic… trên hệ sinh thái và các nền tảng xã hội như Zalo, YouTube… phản ánh sinh động mọi mặt đời sống xã hội, nhất là vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, CNVH, giới thiệu những mô hình tiêu biểu, những kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển CNVH, xây dựng TP sáng tạo.

Đặc biệt, chuyên trang tiếng Anh (hanoitimes.vn) đã tích cực thực hiện quảng bá văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa Hà Nội đến bạn bè quốc tế. Thông qua việc quảng bá này đã giới thiệu với bạn bè quốc tế về chủ trương, chính sách của TP trong phát triển CNVH nói riêng, vẻ đẹp, sức hấp dẫn của TP di sản, vẻ đẹp cổ kính hơn nghìn năm tuổi của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, nhiều tác phẩm của Báo đã đạt giải báo chí quốc gia, giải báo chí của các bộ, ban, ngành và TP Hà Nội.

Đấu tranh với tiêu cực

Không chỉ là những thông tin mang tính chất phản ánh, thời gia qua, các cơ quan báo chí đã có nhiều thông tin, bài viết đã kịp thời cảnh báo, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực.

Đơn cử, các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc tăng cường chấn chỉnh giảm bạo lực trong lễ hội, phê phán những hình ảnh chưa đẹp để loại trừ cái xấu, đưa ra những chuẩn mực xây dựng lễ hội văn minh ở Hội Gióng Sóc Sơn, Hội Gióng Phù Đổng (Gia Lâm), Lễ hội chùa Hương…

Các em học sinh trong chương trình trải nghiệm di sản tại Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh).
Các em học sinh trong chương trình trải nghiệm di sản tại Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh).

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ ghi nhận, thời gian qua, báo chí đã phản biện, phản ánh về hiện tượng xâm hại di sản văn hóa xảy ra tại một số địa phương như vụ việc về công trình Panorama tại đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) năm 2018; việc một công trình du lịch mọc lên ngay vùng lõi Khu Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình); pho tượng Bà Chúa Xứ thứ hai được DN thi công "chui" trên núi Sam (An Giang). Hay di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bị xâm hại nghiêm trọng do sự khai thác quá mức của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước… Từ những phản ánh này đã giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở xử lý, giải quyết kịp thời các vi phạm theo quy định Luật Di sản văn hóa.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, cơ quan quản lý văn hóa cũng khẳng định, nhiều năm qua, báo chí luôn thông tin kịp thời về các sự kiện liên quan đến di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là những di sản văn hóa được UNESCO vinh danh.

Báo chí cũng có nhiều bài viết phản ánh chân thực, có chiều sâu nét đẹp văn hóa trong các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống; các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc; các ngành nghề cổ truyền, nghi thức, nghi lễ truyền thống... Qua đó góp phần quảng bá, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản, văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, báo chí Thủ đô đã có nhiều tin, bài làm rõ thực trạng về giáo dục đào tạo chưa cập nhật với sự phát triển; kinh phí đầu tư cho hoạt động văn hóa tuy tăng hằng năm nhưng vẫn ở mức thấp. Cùng với đó là tình trạng thiếu cơ chế phối hợp giữa các lĩnh vực CNVH; vi phạm bản quyền, thiếu chính sách khuyến khích, thu hút nghệ sĩ làm sáng tạo văn hóa, dẫn đến việc thị trường văn hóa còn phát triển manh mún, tự phát, không chuyên nghiệp. Qua đó, báo chí góp tiếng nói để cơ quan quản lý Nhà nước có những giải pháp từng bước khắc phục, tạo đà cho phát triển CNVH Thủ đô.