UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã có báo cáo đánh giá nhìn nhận những mặt thành công, khắc phục hạn chế trong thời gian tới.
Xuất hiện ăn xin khuyết tật
Theo báo cáo kết quả 3 năm triển khai thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận của UBND quận Hoàn Kiếm, lượng du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tham gia rất đông (trung bình ban ngày có khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 - 2 vạn người).
Đây là con số mơ ước của bất cứ không gian văn hóa công cộng nào. Đặc biệt, khi các không gian đi bộ mở sau chưa thật sự thành công, như không gian văn hóa phố Trịnh Công Sơn; thì cuối tuần ở Hồ Gươm vẫn là một điểm hẹn của người dân Hà Nội cũng như khách du lịch trong và ngoài nước.
Chính vì là nơi hội tụ đông người nên cứ vào dịp cuối tuần là hơn 100 nhân lực an ninh trật tự của quận Hoàn Kiếm phải trực chiến, canh chừng từng mét đường ở không gian đi bộ để hạn chế tình trạng hát dạo xin tiền, bán hàng rong.
Thế nhưng, giờ đây hết hát dạo ngả mũ chờ ủng hộ lại xuất hiện tình trạng người khuyết tật tràn xuống xin tiền du khách. Tối 26/10, trong đoạn đường ngắn kéo dài từ ngã ba Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng đến ngã 3 Trần Nguyên Hãn, Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi bắt gặp 4 trường hợp khuyết tật ngả mũ, ôm hòm từ thiện xin tiền. Chỗ khác lại là cô bé với khuôn mặt nặng khối u ôm hòm công đức.
Xa xa gốc cây xà cừ trên vỉa hè sát mặt hồ là 2 mẹ con ôm khay kẹo và trước ngực là dòng chữ: "Cháu chẳng may bị bỏng từ nhỏ, nhờ cô chú rủ lòng thương"… Không gian đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm, vốn là điểm đến của nhiều du khách, bỗng trở nên xấu xí với hình ảnh hành khất đáng thương, đáng tội. Có vẻ như lực lượng an ninh dẹp không xuể.
Giảm quá tải ở vài điểm
Vào cuối tuần qua, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm sôi động như bao nhiêu tuần trước đó. Khu nhà Bát Giác đã trở thành điểm hẹn văn hóa du lịch của các tỉnh thành như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang… Đến đó, du khách được thưởng thức đờn ca tài tử, cải lương, quan họ, được ngắm các danh lam thắng cảnh các vùng miền qua ảnh hoặc trải nghiệm món ăn trở thành đặc sản từng vùng miền.
Trên khu vực tượng đài Lý Thái Tổ hoặc dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng, từng tốp nam thanh nữ tú gảy đàn guitar hát vang những khúc ca về Hà Nội. Trải rộng ra đến đường các điểm ngã ba đường Lê Lai, Trần Nguyên Hãn, Hàng Dầu là các tụ điểm vui chơi tập thể như kéo co, chơi ô ăn quan, nhảy dây…
Phải nói rằng, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm kéo dài trên 16 con phố (Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Trần Nguyên Hãn, Hàng Dầu, Lê Thánh Tông, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm…), nhưng phần lớn du khách chỉ tập trung ở khu vực kéo dài từ ngã tư Hàng Khay, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng đến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hoặc ngày lễ, ở các khu vực này chật kín người đi bộ, gần như không còn không gian để ngắm cảnh, thưởng ngoạn. Ngược lại, các khu vực khác thưa thớt người dạo bước. Một phần của nguyên nhân trên là hoạt động văn hóa nghệ thuật, kinh doanh thương mại phù hợp với du khách đi bộ mới chỉ tập trung ở các khu vực đông người như trên.
Hiện nay, để giảm áp lực đông người, tăng tính kết nối giữa các không gian đi bộ, UBND TP đã giao cho UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng đề án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực Hồ Gươm. Đồng thời, kết hợp 2 khu vực không gian đi bộ thành một chỉnh thể bổ trợ chức năng, gồm các phố: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ (đoạn từ Đinh Liệt đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Bè, Đào Duy Từ (đoạn từ Hàng Buồm đến Hàng Chiếu), Ô Quan Chưởng, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên.
UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng đề án thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận một tháng liên tục, làm cơ sở để UBND TP Hà Nội đánh giá, xây dựng đề án giảm phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm TP. Đây sẽ là tiền đề để khắc phục những hạn chế, phát triển không gian đi bộ quanh Hồ Gươm trong thời gian tới.