Hàng trăm nghìn người dân Ấn Độ đang phải băng qua quãng đường hàng trăm km, bao gồm cả những gia đình từ già tới trẻ, nam tới nữ. Tất cả lê bước dọc theo con đường cao tốc vắng vẻ.
Một số không có gì ngoài đôi dép, trong khi số khác đội hành lý trên đầu. Trẻ con được cha mẹ trẻ cõng trên vai.
Trong tuần qua, những người lao động nhập cư ở Ấn Độ - trụ cột của lực lượng lao động đất nước - đã rời khỏi các thành phố lớn bị phong tỏa do đại dịch Covid-19 để quay trở lại các tỉnh quê hương, làm dấy lên lo ngại lây nhiễm từ thành phố ra vùng nông thôn.
Lệnh phong tỏa toàn quốc buộc hàng trăm nghìn người Ấn Độ rời bỏ các thành phố lớn về quê |
AP miêu tả “đây là cuộc di cư chưa từng thấy ở Ấn Độ kể từ Cuộc chia cắt 1947, khi chế độ thuộc địa của Anh kết thúc và chia cắt tiểu lục địa này thành hai quốc gia Pakistan và Ấn Độ”.
Quyết định phong tỏa toàn quốc trong vòng 21 ngày nhằm giữ 1,3 tỷ dân Ấn ở nhà một cách hiệu quả ngoại trừ ra ngoài đi chợ hoặc hiệu thuốc. Tuy nhiên quyết định phong tỏa lớn nhất thế giới cũng gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với lực lượng lao động tự do của Ấn Độ.
Họ chủ yếu sống trong những ngôi nhà tồi tàn trong những khu ổ chuột. Một khi lệnh phong tỏa được đưa ra, những người này đột nhiên mất nguồn thu nhập hàng ngày, không có tiền tiết kiệm và do đó không có cách nào để mua thực phẩm, buộc phải quay về làng quê để sinh tồn.
Các phương tiện công cộng như tàu hỏa bị ngừng, taxi thì quá đắt đỏ trong khi xe bus và phà quá tải so với nhu cầu khiến nhiều trong số những người này buộc phải cuốc bộ hàng trăm km để trở về quê nhà.
Theo thông tin từ chính phủ, khoảng 500.000 đến 600.000 người di cư đã chọn đi bộ để rời phố về quê.
Khi cuộc khủng hoảng di dân này trở nên tồi tệ, các nhà chức trách đã bắt đầu ý thức sắp xếp phương tiện đi lại, nơi ở và thức ăn cho số dân này. Nhưng đã quá trễ. Một số người thể chất yếu đã chết sau khi đi bộ trong thời gian dài, trong khi một số khác thiệt mạng trong các vụ tai nạn đường bộ. Một số đã bị cảnh sát đánh đập ở biên giới.
Shiv Kumari, 50 tuổi, cho biết cô đã bị chủ nhà trọ đuổi ra khỏi nơi ở. Cô và con trai 28 tuổi đã phải khăn gói rời khỏi thành phố, bắt đầu một cuộc hành trình gian khổ dài tới 900 km để về nhà. “Chúng tôi đã đi bộ được năm ngày qua”, Shiv Kumari nói với AP.