Thanh Hoá:

Kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích

Huy Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-UBND về việc thực hiện kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hoá có hơn 1535 di tích di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ
Thanh Hoá có hơn 1535 di tích di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ

Mục đích kiểm tra nhằm tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa, qua đó giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương.

Đối tượng kiểm tra là các di tích lịch sử - văn hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích trong năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh gồm 09 thành viên, do đồng chí Phó Giám đốc Sở Tài chính làm Trưởng đoàn; các thành viên còn lại là đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trưởng Ban Tôn giáo Tỉnh; lãnh đạo và chuyên viên một số phòng nghiệp vụ thuộc Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tôn giáo tỉnh.

Đoàn kiểm tra có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện kiểm tra đối với các di tích lịch sử - văn hóa là di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc; Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc; Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện; tiến hành kiểm tra đối với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quản lý, trừ các di tích lịch sử - văn hóa đã được Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh kiểm tra. Thời gian kiểm tra do địa phương chủ động quyết định, bảo đảm hoàn thành việc kiểm tra trước ngày 10 tháng 3 năm 2024; tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, trình Chủ tịch UBND cấp huyện ký duyệt, gửi về Sở Tài chính trước ngày 15 tháng 3 năm 2024 để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Di tích Động Hồ Công thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa)
Di tích Động Hồ Công thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa)

Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời với số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn, gồm hơn 1535 di tích di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 1 di sản thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh. Ngoài văn hóa vật thể, Thanh Hóa cũng có hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ, trong đó 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia.