Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên Giang: Tại sao giải ngân vốn đầu tư công chưa cao?

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tính đến nay, giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Kiên Giang chỉ đạt khoảng 60% so với kế hoạch, có 11 đơn vị cấp tỉnh và 6 đơn vị cấp huyện, TP giải ngân thấp hơn mức trung bình của tỉnh, thậm chí có đơn vị không giải ngân.

Giá trị giải ngân chưa tới 60%

Theo Kế hoạch đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được HĐND tỉnh giao là 6.685.471 triệu đồng, cao hơn 1.103.735 triệu đồng so Thủ tướng Chính phủ giao. UBND tỉnh đã giao chi tiết vốn cho các sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Dự án trục đường Nam Bắc (Phú Quốc) chưa thể hoàn thành do mặt bằng vướng đất rừng quốc gia. (Ảnh Hữu Tuấn)
Dự án trục đường Nam Bắc (Phú Quốc) chưa thể hoàn thành do mặt bằng vướng đất rừng quốc gia. (Ảnh Hữu Tuấn)

Tính đến ngày 15/11/2023, giá trị giải ngân đạt 57,88% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao (thấp hơn cùng kỳ năm 2022) so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 63,28%. Nguồn vốn do các Sở, ban, ngành cấp tỉnh quản lý chiếm 46,99% kế hoạch, giải ngân đạt 56,17% kế hoạch; nguồn vốn do cấp huyện, TP quản lý chiếm 53,01% kế hoạch, giải ngân đạt 59,40% kế hoạch.

Trong đó, có 38 dự án lớn, trọng điểm do các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương quản lý được bố vốn chiếm 38,62% kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh. Giá trị giải ngân đến ngày 15/11 chỉ đạt 52,00% kế hoạch.

Ước tính đến ngày 31/01/2024, giá trị giải ngân theo Nghị quyết HĐND tỉnh và Chính phủ giao đạt hơn 95%. Những đơn vị có giá trị giải ngân vốn đầu tư công cao như: Sở Thông tin & Truyền thông (94,16%); Trường Cao đẳng Sư phạm (88,16%); Sở Y tế (86,72%); Công an tỉnh (82,39%); huyện Tân Hiệp (80,41%).

Trong năm 2023, hoàn thành xây dựng mới khoảng 270km, nâng cấp, mở rộng 260km đường giao thông nông thôn, nâng số km đường giao thông nông thôn - được cứng hóa toàn tỉnh là 7.083km/9.565km đạt 74,05%; dự kiến thêm 2 huyện: An Minh và Kiên Hải được công nhận huyện nông thôn mới, 15 xã được công nhân xã nông thôn mới nâng cao và 3 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới... khởi công một số công trình trọng điểm.

Nguyên nhân chậm giải ngân

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Tính đến nay có 11 đơn vị cấp tỉnh; 6 huyện, TP có giá trị giải ngân thấp hơn mức trung bình chung của tỉnh và 1 đơn vị không giải ngân. Nhiều dự án lớn, trọng điểm (chủ yếu là các dự án giao thông) triển khai chậm do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục kéo dài; còn tình trạng khiếu nại, tranh chấp. Dẫn đến phải trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện dự án mất nhiều thời gian và phải bố trí vốn vượt thời gian theo quy định.

Trong đó, 5 dự án khởi công mới đến nay chưa hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu xây lắp làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung. Các dự án vốn ngân sách Trung ương các chủ đầu tư triển khai chậm, chưa quyết liệt đến cuối năm khả năng chỉ giải ngân 1.388.132/1.584.500 triệu đồng (đạt 87,61%) không hoàn thành kế hoạch đã được gia. Bên cạnh đó, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia các chủ chương trình trình giao vốn chậm; các chủ đầu tư thực hiện chậm, thiếu quyết liệt, đến nay nhiều công trình chưa hoặc đang đấu thầu dẫn đến giá trị giải ngân thấp.

 

Năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 10.026.272 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách địa phương: 8.807.519 triệu đồng; ngân sách Trung ương: 1.218.753 triệu đồng.

Ngoài ra, 5 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội triển khai chậm do thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán; đấu thầu kéo dài; vướng giải phóng mặt bằng;... còn 03 dự án chưa hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, thiết bị. Tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng tiếp tục diễn ra và còn kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, khối lượng xây dựng các công trình.