Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên Giang: Tăng cường phát triển du lịch nông thôn

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong những năm trở lại đây, nhiều địa phương chú trọng xây dựng các chương trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tỉnh Kiên Giang đang tập trung chú trọng phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo.

Phát triển du lịch từ sản phẩm OCOP

Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết: Địa phương đang triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, tiếp tục triển khai các kế hoạch thực hiện như: Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP; Đề án phát triển du lịch cộng đồng; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Sản phẩn nước mắm Phú Quốc một trong những chương trình phát triển du lịch nông thôn của tỉnh Kiên Giang. Ảnh Hữu Tuấn
Sản phẩn nước mắm Phú Quốc một trong những chương trình phát triển du lịch nông thôn của tỉnh Kiên Giang. Ảnh Hữu Tuấn

Để sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao gắn với nhu cầu phát triển kinh tế và du lịch cộng đồng tại địa phương, thời gian qua Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang đã phối hợp với các UBND các huyện, thành trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng có hiệu quả cao như: Đề án/kế hoạch phát triển vườn cây ăn trái (sầu riêng, măng cụt, dâu,...) gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Giồng Riềng; phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với mô hình dịch vụ du lịch như nghề đan cỏ bàng tại huyện Giang Thành, nghề chế biến nước mắm và rượu sim tại Phú Quốc, nghề làm tôm khô tại TP Hà Tiên, nghề làm khô tại huyện Kiên Hải,...

Đặc biệt, cùng với việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) một số địa phương đã chủ động nắm bắt thời cơ, tận dụng được lợi thế của địa phương để khôi phục, tạo đà cho nhiều sản phẩm, phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch.

Tính đến 31/12/2022 toàn tỉnh có 176 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó: 6 sản phẩm đạt 05 sao cấp Quốc gia (Nước nắm Phú Quốc gồm: Khải Hoàn 38, 40, 43 độ đạm, Nước nắm Thanh Quốc 35, 40, 43 độ đạm), 37 sản phẩm đạt 1 sao và 135 sản phẩm đạt 03 sao. Riêng năm 2023 kế hoạch phát triển mới 30 sản phẩm OCOP đạt 03 sao trở lên, có 55 ngành nghề nông thôn được công nhận.

Tuy nhiên, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chủ yếu quy mô nhỏ, còn mang tính tự phát. Hiệu quả mang lại từ du lịch nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa phương. Hệ thống hạ tầng, kỹ thuật hỗ trợ cho du lịch nông nghiệp, nông thôn thiếu tính đồng bộ; các dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu dẫn đến tính hấp dẫn của du lịch chưa cao.

Phát huy vai trò cộng đồng để phát triển du lịch

Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: để phát triển du lịch nông thôn trước hết thát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.

Kiên Giang: Tăng cường phát triển du lịch nông thôn  - Ảnh 1

Mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Đồng thời, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chi trong xây dựng NTM. Tập trung phát triển sản phẩm có chất lượng, đa dạng, gắn với bản sắc, đặc trưng của địa phương, có tính cạnh tranh cao bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch. Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn. Xây dựng và triển khai thí điểm mô hình du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn xây dựng định hướng phát triển du lịch và tích hợp, bổ sung vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch nông thôn. Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn. Tăng cường huy động nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng NTM. Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn; hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn phục vụ cho việc xúc tiến, quảng bá. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm triển khai các hoạt động phát triển du lịch nông thôn đồng bộ, hiệu quả.