Đó là thông tin được nêu trong báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV được Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, sáng nay, 4/6/2018.
8% kiến nghị được tiếp thu, giải quyết xong
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: Thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 Đoàn ĐB Quốc hội của các tỉnh, TP đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri (giảm 357 kiến nghị so với kỳ họp trước). Trong đó, phần lớn các kiến nghị “nhắm” tới Chính phủ, các Bộ ngành (1993/2.099 kiến nghị).
Kết quả, các cơ quan của Chính phủ đã trả lời 1.474 kiến nghị bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri (chiếm gần 74%), 162 kiến nghị được tiếp thu, giải quyết xong (chiếm 8%), còn 357 kiến nghị đang được nghiên cứu để giải quyết (chiếm gần 18%).
Đánh giá chung về công tác giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: “59/59 Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc này. Tất cả các ý kiến nhận xét đều cho rằng đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời, bảo đảm kịp thời, đầy đủ”.
Nhiều bộ, ngành đã được một số đoàn đại biểu Quốc hội khen ngợi, đánh giá cao vì đã rất tích cực giải quyết một số kiến nghị cụ thể của cử tri tại địa phương, như các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; GTVT; Tài chính; LĐTB&XH; TT&TT. Một số bộ, ngành có số lượng kiến nghị cử tri nhiều, khối lượng công việc cần xem xét, giải quyết rất lớn nhưng Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, giải quyết và ký toàn bộ văn bản trả lời cử tri.
Nhờ đó, chất lượng trả lời, số lượng các vấn đề được giải quyết dứt điểm khá nhiều, được cử tri đồng tình nhất trí, điển hình là Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH (208 kiến nghị), Bộ NN&PTNT(171), Bộ TN-MT (159), Bộ GD&ĐT (148)... Đặc biệt, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Y tế, cùng với việc trả lời kiến nghị cử tri còn cung cấp thêm số điện thoại nóng (ngay trong văn bản trả lời cử tri) để kịp thời tiếp nhận, xử lý những vấn đề vướng mắc mà cử tri kiến nghị.
“Nỗ lực cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong giải quyết các kiến nghị, phản ánh của của cử tri đã góp phần tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc mà người dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp phải, tạo môi trường thông thoáng hơn trong sản xuất, đầu tư và kinh doanh, góp phần tích cực vào những kết quả chung trong tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian qua, được cử tri ghi nhận”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận.
Trả lời một số kiến nghị còn “lạc đề”
Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ, chất lượng trả lời một số kiến nghị còn bất cập và dẫn chứng cụ thể một số văn bản trả lời chung chung, diễn giải nhiều, nhưng lại không đủ thông tin để giải đáp cho cử tri, thậm chí “lạc đề”.
Minh chứng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đưa ra là việc cử tri Lạng Sơn hỏi về chế độ cán bộ công tác tại các thôn không đặc biệt khó khăn nhưng nằm trên xã đặc biệt khó khăn, có được hưởng chế độ không? Nhưng Bộ Nội vụ lại trả lời về cán bộ công tác tại các thôn đặc biệt khó khăn thì được hưởng chính sách.
“Trả lời của Bộ là chưa đúng với nội dung câu hỏi. Theo phản ánh của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, ngay sau khi nhận được văn bản trả lời, cử tri kiến nghị Bộ cần giải quyết, trả lời cụ thể, rõ ràng, thấu đáo hơn”, Ủy viên UBTVQH nói.
Cùng với đó, báo cáo giám sát việc trả lời kiến nghị cử tri cũng nêu vấn đề, việc áp dụng một số văn bản pháp luật vào thực tiễn còn bất cập, nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa xem xét giải quyết, trả lời cũng chưa thấu đáo. Đơn cử, cử tri tỉnh Lai Châu phản ánh gặp vướng mắc trong việc công nhận kết quả biểu quyết khi có ý kiến khác nhau của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã (chỉ có 2 người là Chủ tịch và Phó Chủ tịch). Trả lời của Bộ Nội vụ như sau: “Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiến hành tổng hợp tình hình thực hiện, xin tiếp thu chờ sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương”.
Trả lời của Bộ Nội vụ được đánh giá là không sai, tuy nhiên, những vướng mắc mà cử tri nêu là thực tế, rất cụ thể lại chưa được Bộ nghiên cứu thấu đáo để tìm cách tháo gỡ. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung thì việc công nhận kết quả cần phải được cấp có thẩm quyền hướng dẫn. UB Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã.
Phần trả lời khác chưa được Bộ Nội vụ trả lời thỏa đáng là: Khi cử tri tỉnh Nghệ An và một số tỉnh khác phản ánh, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì các Ban của Hội đồng nhân dân không được sử dụng con dấu, nhưng trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật thì các Ban này cần phải sử dụng con dấu trong một số hoạt động lại trả lời: “Nếu cần phải đóng dấu văn bản thì Ban Hội đồng nhân dân báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc sử dụng con dấu của Hội đồng nhân dân cấp đó” .
Theo cơ quan giám sát, việc sử dụng con dấu là đặc biệt quan trọng do vậy cần phải quy định hết sức chặt chẽ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn quy định về việc cấm mượn, thuê, cầm cố, thế chấp con dấu… để lập luận, trả lời của Bộ Nội vụ về việc sử dụng con dấu trong trường hợp “nếu cần” mà không nêu rõ cụ thể “nếu cần” bao gồm những trường hợp nào sẽ có khả năng dẫn tới việc sử dụng con dấu cả trong những trường hợp chưa thực sự cần thiết.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trả lời của Bộ Nội vụ như vậy còn chưa phù hợp với Nghị định 99 năm 2016 quy định về quản lý và sử dụng con dấu của Chính phủ.