Nhiều phiên, tài khoản nhà đầu tư bốc hơi nhanh đến nỗi khổ chủ chưa kịp hiểu vì sao. Nhiều mã sáng đang tăng rực rỡ, chiều đã lau sàn và ngược lại.
Sáng dương, chiều âm
“Sáng dương 2%, chiều âm 5%, Valentine gì tầm này nữa?” - một nhà đầu tư thốt lên trên một Diễn đàn chứng khoán hàng triệu thành viên sau phiên ngày 14/2 đầu tuần này.
Trong phiên này, chỉ 30 phút cuối, VN-Index đã bị thổi bay gần 30 điểm xuống còn 1.471 điểm, giảm hơn 40 điểm. Nhiều nhà đầu tư hốt hoảng, ồ ạt mang hàng ra bán tháo. Đây cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ sau khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Sau phiên chào Ngày lễ tình nhân 14/2 khiến nhà đầu tư tím mặt này, thị trường đã có những hồi phục nhất định. Tuy nhiên, VN-Index cũng như nhiều cổ phiếu, lên xuống nhanh như “lật bánh tráng”.
Đến phiên ngày 17/2, thị trường vẫn giữ thế trận giằng co. Có thời điểm chỉ số VN-Index đã tiến sát mốc 1.500 điểm nhờ lực kéo từ nhóm ngân hàng.
Tuy nhiên, lực cung tại vùng 1.500 điểm khá mạnh khiến chỉ số không thể bứt phá và mau chóng "hạ nhiệt". Phiên sáng, phần lớn cổ phiếu bất động sản, xây dựng đã quay đầu giảm sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó. Các cổ phiếu như CEO, DXG, FCN, HBC, HDG, KBC, NTL, NVL… đều giảm điểm. Trong khi đó, nhóm ngân hàng giao dịch có phần khởi sắc với nhiều mã tăng như ACB, BID, CTG, EIB, MBB, STB, VCB, VIB, LPB, HDB, TCB, TPB…
Nguyên nhân khiến nhiều cổ phiếu “trở mặt” tăng - giảm nhanh như “lật bánh tráng” trong một số phiên của tuần này, theo các chuyên gia chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý và yếu tố bên ngoài, ảnh hưởng nặng nề đến chỉ số.
Tuần này, các thị trường chứng khoán quốc tế lớn có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các thông tin quan trọng. Các thông tin về cuộc họp mới nhất của FED và căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine đã khiến một số thị trường rung lắc. Chứng khoán Việt Nam theo đó cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư bị đè nặng khi thế giới có nhiều biến động khó lường, đặc biệt nguy cơ xung đột Nga - Ukraine và sự can thiệp của các bên như Mỹ - Trung, NATO đang được đẩy lên cao.
Tìm “bến đỗ” nào cho dòng tiền?
Hiện, kết quả kinh doanh năm 2021 đã được nhiều DN công bố. Vì thế, trong tháng 2, giới phân tích cho rằng, kỳ vọng dòng tiền sẽ hướng đến các cổ phiếu có nội tại cơ bản tốt và có tiềm năng tăng trưởng cao trong năm 2022.
Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 2 của Chứng khoán Rồng Việt nhận định, dòng tiền luân chuyển sẽ hỗ trợ đà tăng của các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt. Sự tham gia của quỹ ngoại mới được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tích cực đến tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, rủi ro là lo ngại về lạm phát có thể khiến thị trường chứng khoán biến động. Báo cáo này dự đoán, VN Index sẽ dao động trong khoảng 1.430 - 1.580.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 7/2 của Công ty Chứng khoán SSI, khoảng 60% công ty trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) - đại diện 81% vốn hóa đã công bố kết quả kinh doanh quý 4 năm 2021 cho thấy tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 10,7%. Trong đó, nhóm 24 công ty thuộc rổ VN30 đã công bố lợi nhuận tăng trưởng ở mức 4,5%.
“Bước sang năm 2022, ước tính tăng trưởng lợi nhuận 85 công ty trong phạm vi nghiên cứu đạt 15,4%, trong đó mức tăng trưởng của nửa đầu năm và nửa cuối năm có thể có sự chênh lệch đáng kể, với hầu hết tăng trưởng dự kiến sẽ được phản ánh vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vẫn có sự phân hóa về lợi nhuận giữa các nhóm ngành ngay trong quý 1 và thị trường đang có những kỳ vọng nhất định vào nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục sớm hơn dự kiến. Việc cắt giảm thuế VAT từ ngày 1/2 sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa, bên cạnh khả năng mở cửa lại đường bay quốc tế, do vậy doanh số bán lẻ và dịch vụ trong tháng 2 sẽ là một biến số được mong đợi theo chiều hướng tích cực” - các chuyên gia SSI phân tích.
Dựa trên các phân tích này, chuyên gia SSI nhận định, sự điều chỉnh tập trung ở nhóm các cổ phiếu có vốn hóa trung bình thấp trong tháng 1 là tín hiệu ban đầu cho sự dịch chuyển dòng tiền sang nhóm vốn hóa lớn. Định giá P/E của VN Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, mức định giá 2022 hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực và qua đó kích hoạt xu hướng giải ngân đầu năm của các quỹ ngoại và đây có thể là yếu tố nâng đỡ thị trường trong giai đoạn hiện tại.
Vùng hỗ trợ 1.470 điểm có vai trò quan trọng trong việc xác định xu hướng của chỉ số VNIndex. Trong trường hợp chỉ số duy trì vận động ổn định trên vùng này đi cùng với sự cải thiện của thanh khoản, chỉ số nhiều khả năng sẽ chinh phục thành công mốc tâm lý 1.500 điểm đồng thời gia tăng xác suất hướng về đỉnh cũ 1.537 điểm. Ở chiều ngược lại, nếu phá vỡ khu vực 1.470 điểm với khối lượng gia tăng, nhiều khả năng chỉ số VNIndex sẽ phải tìm điểm cân bằng quanh vùng hỗ trợ 1.423 -1.400 điểm.
"Trong tháng 2, thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến kế hoạch tăng lãi suất của FED, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 3. Tuy nhiên, ảnh hưởng này có thể sẽ mang tính chất tâm lý tác động ngắn hạn khi VND được coi là đồng tiền nổi bật trong khu vực với mức tăng giá 0,7% so với cuối năm 2021, trái ngược với xu hướng mất giá của các đồng tiền mới nổi khác trong bối cảnh đồng USD mạnh lên đáng kể." - Báo cáo Chiến lược thị trường tháng 2 của Công ty Chứng khoán SSI
Các chuyên gia Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, dòng vốn nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là nhân tố dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 và cả dài hạn khi thị trường vẫn còn rất lớn. Xu hướng chuyển dịch đầu tư sang thị trường chứng khoán chỉ mới ở giai đoạn khởi trào. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ước tính tăng 21% so với cùng kỳ sẽ là động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán chinh phục các cột mốc mới, đóng góp chính đến từ ngân hàng, bất động sản, công nghiệp, dầu khí và dịch vụ tiêu dùng.