Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố ngày 16/2 là ngày "đoàn kết" và kêu gọi người dân treo cờ, hát quốc ca đón mừng. Ngay trước ngày 16/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho truyền hình trực tiếp hai cuộc họp giữa ông với Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoygu. Những nội dung trao đổi trong cuộc họp đã cho thấy - như lời ông Lavrov nói cơ hội cho biện pháp ngoại giao vẫn chưa kết thúc.
Lạc quan thận trọng
Triển vọng giảm leo thang trong cuộc khủng hoảng Ukraine gia tăng đặc biệt sau khi Nga hôm 15/2 cho biết đã rút một số binh sĩ khỏi biên giới, một tuyên bố đã nhận sự pha trộn giữa hoài nghi và lạc quan thận trọng từ Mỹ và châu Âu.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden - từng đưa ra mức báo động chưa từng có cho thấy một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, cùng các nhà lãnh đạo châu Âu đã phản ứng một cách thận trọng trước tuyên bố của Moscow rằng họ sẵn sàng đàm phán với Mỹ và NATO.
Nhà Trắng cũng đã tổ chức một cuộc họp mật giữa các Thượng nghị sĩ Mỹ về tình hình vào sáng 15/2 để tạo sự đồng thuận giữa những chia rẽ trong nước, với một số chuyên gia cho rằng Mỹ nên đồng ý với yêu cầu của Nga loại trừ Ukraine khỏi NATO và tập trung trọng tâm đối phó Trung Quốc - mối đe dọa thực sự. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vẫn khẳng định rằng chưa thấy bất kỳ sự giảm leo thang nào trên thực tế, đồng thời cảnh báo rằng trước đây Nga đã rút lại việc để lại các kho vũ khí quân sự tại chỗ để sử dụng nhanh chóng sau này. Theo ông Stoltenberg, NATO vẫn kỳ vọng vào “sự rút lui đáng kể và lâu dài của các lực lượng, quân đội và đặc biệt là các thiết bị hạng nặng”.
Cũng có sự hoài nghi từ Ukraine, quốc gia trung tâm của “bộ phim truyền hình” đang chiếu trực tiếp trên toàn cầu, khi ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đăng dòng tweet: "Về tuyên bố của Nga liên quan đến việc rút một số lực lượng khỏi biên giới Ukraine. Chúng tôi ở Ukraine có một quy tắc: chúng tôi không tin những gì được nghe mà tin những gì được thấy”.
Dù vậy, có thể thấy những nỗ lực giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng như giữa Nga và phương Tây vẫn đang được tiến hành và lóe lên những hy vọng rằng kịch bản xấu sẽ không xảy ra.
Về phía Nga luôn khẳng định rằng không có kế hoạch tấn công Ukraine, được bồi thêm ngày 15/2 với tuyên bố “chắc nịch” của Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết quân đội nước này sẽ trở về căn cứ sau các cuộc tập trận theo đúng kế hoạch, bất kể “ai nghĩ gì và kích động ra sao”.
Đằng sau động thái hạ nhiệt
Theo giới phân tích, động thái của Moscow và Washington đang trong một trò chơi phức tạp và đầy rủi ro để đảm bảo an ninh mỗi bên mà không cần nổ súng. Theo đó, các hoạt động tăng cường lực lượng, cảnh báo trừng phạt, đóng cửa đại sứ quán, tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao, rò rỉ thông tin tình báo đều là một phần trong kế hoạch của mỗi quốc gia nhằm cho thấy họ sẵn sàng đưa ra đe dọa và chấp nhận rủi ro.
Đây là một hình thức đàm phán rủi ro cao được tiến hành thông qua cả lời nói và hành động. Nga, thông qua việc điều quân tới gần biên giới Ukraine, coi đây là "con bài" nhằm thuyết phục phương Tây và Kiev tin rằng Moscow sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến lớn để đảm bảo các yêu cầu của mình, vì thế, tốt hơn hết là các quốc gia này nên đáp ứng các điều kiện của Nga một cách hòa bình.
Mặt khác, chính quyền Tổng thống Biden, bằng cách khẳng định rằng cuộc tấn công của Nga sắp diễn ra, thậm chí đóng cửa đại sứ quán ở Kiev và đe dọa đáp trả bằng lệnh trừng phạt kinh tế đã cho thấy Moscow không thể trông chờ gì vào sự nhượng bộ từ Mỹ, đồng thời khiến các động thái leo thang ít có giá trị hơn.
Các nhà phân tích Mỹ nhận định, các động thái của Nga trong vài tuần qua là nhằm buộc Washington và các đồng minh châu Âu ngồi vào bàn đàm phán trong nỗ lực ngăn chặn sự mở rộng của NATO, bao gồm các động thái nhằm đưa Ukraine trở thành liên minh, và yêu cầu Mỹ loại bỏ các vũ khí chiến lược đe dọa Nga từ các nước NATO.