Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãng phí và trách nhiệm

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Còn gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.

Đó là “con số biết nói” mà người đứng đầu ngành tài chính đưa ra tại nghị trường Quốc hội đang được dư luận quan tâm. Đây là vấn đề dù không mới, nhưng lại luôn nóng, bởi thực trạng này đã được đề cập đến nhiều lần và vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Khi các đơn vị hành chính sáp nhập, tài sản công như trụ sở làm việc, tài sản trên đất… dôi dư là chuyện tất nhiên. Về nguyên tắc, các xã, huyện nhập lại thì trụ sở của cơ quan được sáp nhập phải sử dụng sao cho hiệu quả, không để trống, gây lãng phí tài sản của Nhà nước.

Thực tế, nhiều địa phương đã thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã, huyện để giảm số lượng đơn vị hành chính, tuy nhiên, việc xử lý tài sản công sau sắp xếp lại chậm, dẫn đến hàng loạt trụ sở cơ quan lại bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn, trong đó có nhiều khu nhà vốn là trụ sở làm việc. Thậm chí có cả những trụ sở vừa mới xây xong hoặc sắp xây xong với kinh phí hàng tỷ đến cả trăm tỷ đồng nhưng lại để không, chưa có phương án sử dụng.

Đây là thực trạng đã được nói đến nhiều ngay tại diễn đàn Quốc hội. Lần này, một lần nữa đại biểu Quốc hội tái chất vấn về giải pháp căn cơ cho vấn đề này. Như chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công; còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không.

Dù tỷ lệ chỉ là nhỏ so với số lượng tải sản công đã xử lý những vẫn là một nguồn lãng phí lớn hiện hữu. Nguyên nhân dẫn tới hàng loạt trụ sở cũ "đắp chiếu" nhiều năm có cả khách quan và chủ quan, từ những khó khăn về thủ tục, cách thức để chuyển đổi đến cả một số địa phương “ngần ngại” trong thanh lý, bán đấu giá trụ sở do tư tưởng đùn đẩy, né tránh và tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm... Và có cả sự thiếu quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của các cấp có thẩm quyền.

Tình trạng này đang khiến các cử tri rất lo lắng về sự lãng phí, ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển và còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách trong quản lý, sử dụng tài sản công. Bởi thực tế đã có không ít vụ việc vi phạm liên quan đến công tác quản lý nhà đất, công sản bị xử lý.

Làm sao để quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản nhà đất công của các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp vẫn đang cần có những giải pháp căn cơ và nhanh chóng hơn nữa. Như người đứng đầu ngành tài chính đã thông tin, giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc, đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, bảo đảm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Để giải quyết triệt để vấn đề này, vẫn cần chỉ rõ hơn nữa trách nhiệm của chủ thể, tổ chức, cá nhân nào để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí. Đồng thời, qua thanh tra, kiểm toán, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gây chậm trễ trong xử lý tài sản công. Và đặc biệt phải nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu trong từng khâu thực hiện để tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh gây ra sự lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và xã hội.