Luật Phòng, chống ma túy đã tháo gỡ những điểm nghẽn

Trần Oanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) năm 2021 có những quy định chặt chẽ, đồng bộ với các luật khác sẽ giảm được người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy. Đây là nhận định của Chi cục Phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Lập khi trả lời phỏng vấn về Luật này.

Nhiều điểm mới trong Luật PCMT 2021

Thưa ông, Luật PCMT năm 2021 với những nội dung mới có tháo gỡ được các điểm nghẽn trước đây và tạo thuận lợi cho công tác PCMT mang lại hiệu quả hơn?

- Luật PCMT năm 2021 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 giải quyết được những vướng khó trước đây để chúng ta làm tốt hơn công tác PCMT, đặc biệt là cai nghiện ma túy (CNMT). Trong Luật có một nội dung mới đó là tất cả những người sử dụng trái phép chất ma túy khi bị phát hiện ngay từ lần đầu sẽ chịu sự quản lý theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã nơi cư trú, thời hạn 1 năm, nhưng không được coi là biện pháp xử lý hành chính. Trong thời gian quản lý, đối tượng được giáo dục để không tái sử dụng chất ma túy dẫn đến nghiện, không vi phạm pháp luật và phải xét nghiệm ma túy để kiểm soát được hành vi của mình.

Chi cục Phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Lập tập huấn, tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Trần Oanh
Chi cục Phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Lập tập huấn, tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Trần Oanh

Nếu đối tượng tiếp tục sử dụng ma túy dẫn đến nghiện thì phải CNMT, nếu không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện tự nguyện, hoặc tái sử dụng ma túy trong thời gian cai tự nguyện, tái nghiện trong thời gian quản lý sau cai thì sẽ bị lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc.

Trong Luật cũng quy định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở CNMT bắt buộc nhưng không bị coi là xử lý vi phạm hành chính. Đối tượng này cai nghiện bắt buộc trong 6 - 12 tháng và quản lý sau cai 12 tháng. Với người nước ngoài tại Việt Nam bị nghiện ma túy thì phải đăng ký CNMT và trả phí dịch vụ theo quy định. Người Việt Nam bị trục xuất từ nước ngoài trở về bị nghiện ma túy thì phải xác định tình trạng nghiện, đăng ký CNMT…

Luật PCMT 2021 quy định việc lập hồ sơ đề nghị đưa người từ 12 đến dưới 18 tuổi vào CNMT bắt buộc, liệu các cơ sở có đủ chỗ để tiếp nhận và có gia tăng số người nghiện ma túy?

- Luật PCMT 2021 quy định rất cụ thể điều kiện để đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đi CNMT bắt buộc. Tại Hà Nội hiện nay, Sở LĐTB&XH, đã giao cho Cơ sở CNMT số 2 Hà Nội bố trí một khu để tiếp nhận đối tượng này, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, viên chức của sơ sở CNMT sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo quy định về CNMT và các quy định đảm bảo quyền trẻ em.

Tuy nhiên, trong thời gian tới nếu áp dụng đầy đủ và chặt chẽ quy định của pháp luật thì có thể sẽ gia tăng đối tượng và chúng ta phải tính toán đến đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ kịp thời để đáp ứng việc tiếp nhận đối tượng này.

Hơn nữa, Pháp lệnh số 01 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của Tòa án Nhân dân để xem xét đưa người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đi CNMT bắt buộc thì chúng ta phải có một thời gian để đưa vào cuộc sống.

Trường hợp, nếu gia tăng số người nghiện ma túy thì không có nghĩa hiệu quả công tác phòng ngừa kém đi mà chúng ta làm triệt để có sự can thiệp, điều chỉnh.

Phát triển, nhân rộng các điểm tư vấn, hỗ trợ

Để đưa người nghiện ma túy đi CNMT thì phải xác định được tình trạng nghiện; hiện nay, cấp xã có được phép thực hiện nội dung này, thưa ông?

- Luật PCMT 2021, đặc biệt là Nghị định số 109/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ quan y tế có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện (XĐTTN). Cụ thể, cơ sở y tế có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và được tập huấn XĐTTN.

Sở Y tế Hà Nội đang tích cực rà soát, công bố những cơ sở y tế trên địa bàn đủ điều kiện XĐTTN để các xã, phường, thị trấn, để đưa người nghiện đi XĐTTN, đồng thời chủ động triển khai tập huấn cấp chứng chỉ XĐTTN cho bác sĩ cấp cơ sở. Nếu Trạm y tế cấp xã đáp ứng đủ các quy định về XĐTTN ma túy theo quy định của Nghị định 109/2021 thì có thể thực hiện được nhiệm vụ này tại cơ sở.

Thực hiện Công điện số 365 ngày 20/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo các ngành Y tế, LĐTB&XH, Công an khẩn trương thực hiện các nội dung, đặc biệt là XĐTTN và tổ chức CNMT, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt này, hy vọng trong thời gian tới Hà Nội sẽ triển khai làm tốt công tác CNMT, góp phần phòng, chống ma túy hiệu quả và đưa luật vào cuộc sống.

Các dịch vụ xã hội sẽ được phát triển như thế nào để hỗ trợ cho đối tượng CNMT tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai?

- Luật PCMT cũng như Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật PCMT, Luật Xử lý vi phạm hành chính về CNMT và quản lý sau CNMT nêu rõ: Khi các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ về điều trị nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng (tư vấn xây dựng kế hoạch; điều trị cắt cơn, giải độc; giáo dục tư vấn, phục hồi hành vi nhân cách; dạy nghề, tạo việc làm) thì đăng ký với chủ tịch UBND huyện. Các cơ sở CNMT công lập và các cơ sở cai nghiện tự nguyện cũng có thể cung cấp 1 trong 4 dịch vụ thì đăng ký với chủ tịch UBND huyện để hỗ trợ CNMT tại cộng đồng.

Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu phát triển các điểm tư vấn hỗ trợ, chăm sóc điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng, đã được xây dựng tại 14 phường, xã, thuộc 7 quận, huyện. Thực hiện Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội cũng như Kế hoạch 270 của UBND TP, phấn đấu hết năm 2025 Hà Nội có 100% xã, phường, thị trấn áp dụng ít nhất một mô hình quản lý sau CNMT hiệu quả. Hiện nay chúng tôi đang tích cực đôn đốc và phối hợp hướng dẫn các địa phương hoàn thành chỉ tiêu theo Chương trình 08 của Thành ủy đề ra.

Tôi tin rằng, Luật PCMT năm 2021 quy định chặt chẽ theo kiểu vòng trong khép kín thì công tác CNMT và quản lý sau cai tốt hơn và đồng bộ với các luật khác. Khi chúng ta làm tốt được những nội dung trong Luật sẽ giảm nguồn cầu (người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy); công tác PCMT thực sự được kiểm soát và đem lại hiệu quả như mong đợi của người dân.

Xin cảm ơn ông!