Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao đổi trong buổi thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội, chiều 1/7.
Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND TP Hà Nội.
Cơ sở pháp lý để cho Hà Nội thực hiện thuận lợi các nhiệm vụ
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ quận Hoàng Mai) cho rằng, sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn khởi, đánh giá cao việc Hà Nội đã chủ động xây dựng Dự thảo Luật; Luật được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Với các quy định phân cấp, phân quyền "mạnh", đây là cơ sở pháp lý để cho Hà Nội thực hiện thuận lợi các nhiệm vụ.
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho rằng, Hà Nội trình Quốc hội 3 cơ chế vô cùng quan trọng là Luật Thủ đô, 2 nội dung liên quan đến quy hoạch Thủ đô. Đây là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cần sớm đưa vào thực hiện. Quá trình tổ chức thực hiện, xây dựng, ban hành cơ chế để cụ thể hóa Luật Thủ đô theo thẩm quyền, kể cả thẩm quyền của HĐND cũng như thẩm quyền của Chính phủ. Thời gian còn 6 tháng, nếu không làm sớm, không tập trung và không giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan tham mưu nội dung này, sẽ khó để khớp được thời gian thi hành luật từ 1/1/2025.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ huyện Mỹ Đức), dù Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nhưng ngay bây giờ, thành phố cần có đề án tổng thể, tranh thủ nguồn lực về cơ chế, chính sách để khi có hiệu lực, các chính sách ngay lập tức đi vào cuộc sống.
Triển khai hiệu quả ngay khi Luật Thủ đô có hiệu lực
Liên quan triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) giao cho HĐND, UBND ban hành nhiều cơ chế để từ ngày 1/1/2025 triển khai thực hiện. Đến nay HĐND TP được giao 35 nội dung, cụ thể hóa nội dung, trách nhiệm rất nặng nề. Sở Tư pháp đã dự thảo kế hoạch nhưng cần sự chỉ đạo của Thành uỷ, HĐND, UBND, MTTQ cùng các đoàn thể phối hợp, phân trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành để triển khai các nhiệm vụ.
Khẳng định Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho Thủ đô phát triển, nhưng đại biểu Nguyễn Đình Hưng (tổ huyện Mê Linh) cũng cho rằng, bên cạnh cơ hội là thách thức lớn. Theo đại biểu, công tác truyền thông về Luật cần thực hiện mạnh mẽ hơn để người dân Thủ đô hiểu và ủng hộ các cấp chính quyền trong triển khai thi hành Luật sau này.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, trong 6 tháng đầu năm, điểm nhấn rất quan trọng của thành phố là đã tập trung báo cáo với Quốc hội hoàn thành thể chế, nhất là Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và cho ý kiến vào 2 quy hoạch; tạo hành lang pháp lý, định hướng chiến lược lâu dài cho Hà Nội phát triển.
Đề cập đến 83 đầu việc thuộc thẩm quyền của thành phố liên quan đến 6 dự thảo Nghị định của Chính phủ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, đây là khối lượng công việc lớn, phải bắt tay ngay thực hiện. Về xây dựng kế hoạch để thực hiện Luật Thủ đô năm 2024, HĐND, UBND cần phải có quyết tâm để sớm triển khai.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Công an TP Nguyễn Thanh Tùng, tới đây, Hà Nội áp dụng Luật Thủ đô, quy hoạch của Thủ đô các giai đoạn; từ đó ban hành hành lang pháp lý để có chế tài xử lý, ban hành cơ chế đặc thù để dần “triệt tiêu” những công trình vi phạm.