Lý do Nhật để ngỏ khả năng cho NATO thiết lập văn phòng

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Nhật cho rằng cuộc chiến tại Ukraine đã tác động vượt xa biên giới châu Âu, buộc Tokyo phải suy nghĩ lại về an ninh khu vực.

Nhật Bản đang đàm phán để trở thành trụ sở cho văn phòng liên lạc NATO đầu tiên ở châu Á, đồng thời nhận định cuộc chiến tại Ukraine đã khiến thế giới trở nên kém ổn định hơn.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Yoshimasa Hayashi cho biết: “Chúng tôi đang thảo luận, nhưng chưa có kết quả cuối cùng". 

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi. Ảnh: CNN
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi. Ảnh: CNN

Ông Hayashi dẫn cuộc chiến tại Ukraine khởi nguồn hồi tháng 2/2022 tác động vượt xa biên giới châu Âu, buộc Nhật Bản phải suy nghĩ lại về an ninh khu vực.

Theo ông, kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, thế giới đã trở nên bất ổn hơn, bởi những gì đang xảy ra ở Đông Âu không chỉ giới hạn trong Đông Âu mà ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình Thái Bình Dương. Đó là lý do hợp tác giữa Đông Á và NATO trở nên ngày càng quan trọng. 

Ông nói dù Nhật Bản không phải thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) nhưng động thái này gửi thông điệp rằng các đối tác châu Á - Thái Bình Dương của khối đang hợp tác ổn định với liên minh quân sự này.

Việc mở văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản sẽ đánh dấu bước phát triển quan trọng đối với liên minh phương Tây trong bối cảnh đứt gãy địa chính trị ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên động thái này có thể vấp phải chỉ trích từ Trung Quốc. 

Thông tin về kế hoạch mở văn phòng tại Nhật Bản của NATO được Nikkei Asia lần đầu đưa tin vào ngày 3/5, dẫn lời các quan chức giấu tên của cả Nhật Bản và NATO.

NATO có văn phòng liên lạc ở nhiều nơi như Ukraine và Vienna. Văn phòng liên lạc tại Nhật Bản sẽ cho phép thảo luận với các đối tác an ninh của NATO như Hàn Quốc, Australia và New Zealand, về thách thức địa chính trị, công nghệ mới nổi cũng như an ninh mạng, theo Nikkei.

Tình hình an ninh phức tạp

Cuộc chiến tại Ukraine là một trong những yếu tố thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ quan điểm trung lập và tìm kiếm sự bảo vệ từ NATO, với việc Phần Lan chính thức gia nhập khối này vào tháng trước.

Cuộc chiến cũng đã chứng kiến một số quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần hơn với đối tác phương Tây, đồng thời thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại các mối đe dọa gần.

Cũng trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 3/5, Bộ trưởng Hayashi nhấn mạnh môi trường an ninh khu vực “nghiêm trọng và phức tạp” bởi Nhật đang đối mặt sự gia tăng gây hấn của Nga, đối đầu với một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Căng thẳng giữa Nhật và Nga gia tăng trong những tháng gần đây, một phần do các cuộc tập trận quân sự của Nga ở vùng biển giữa hai nước và tuần tra hải quân chung giữa Trung Quốc và Nga ở phía tây Thái Bình Dương gần Nhật Bản.