Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lý giải nguyên nhân khiến kết quả phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội chưa cao

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/5, tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới kết quả thực hiện các chính sách chưa cao, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư, triển khai các dự án đầu tư quan trọng.

Chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, bối cảnh thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp khó lường, chưa từng có tiền lệ.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: Quochoi.vn
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: Quochoi.vn

Triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng và tham mưu trình Nghị định số 31. "Chưa có một chương trình nào mà Ngân hàng nhà nước dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy. Nhiều hội nghị được tổ chức, yêu cầu đến từng chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tại các địa phương" - Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết.

Lý giải kết quả thực hiện chính sách đạt thấp, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, ngay từ đầu Nghị quyết 43/2022/QH15 đã xác định đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi - tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn.

Vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân. Chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách Nhà nước. Do đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ. Do đó việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 25/5
Quang cảnh phiên thảo luận chiều 25/5

Cải thiện quy trình để các chính sách đi vào cuộc sống

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cảm ơn các ý kiến thẳng thắn, xác đáng của các đại biểu Quốc hội và cho biết, những ý kiến này sẽ là những bài học quý cho quá trình xây dựng và thực hiện chính sách sau này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được xây dựng trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân ổn định được đời sống, phục hồi dần kinh tế xã hội.

Lý giải về nguyên nhân khiến một số kết quả đạt được chưa cao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời gian xây dựng và thực hiện chương trình rất ngắn, chương trình có quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, tổ chức, đối tượng. Tuy nhiên, do kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế, việc phối hợp thực hiện một số dự án còn chưa tốt, nảy sinh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm ở một số cán bộ nên một số kết quả đạt được không như kỳ vọng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các Bộ ngành đã hết sức tích cực, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, thành lập nhiều tổ công tác, đoàn công tác để đốc thúc triển khai. Tất cả các thành viên Chính phủ đều đã xuống nhiều địa phương để giải quyết những ách tắc, vướng mắc của từng dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, cải thiện quy trình, xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách để các chính sách nhanh chóng được đưa vào cuộc sống.